Hàng nghìn quỹ 'bị ép' phải cắt lỗ, TTCK Trung Quốc đứng trước rủi ro giảm ngày càng sâu
Ngành quỹ phòng hộ trị giá gần 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang có nguy cơ khiến sự hỗn loạn trên TTCK trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do các quỹ này buộc phải bán tháo cổ phiếu khi thị trường giảm ngày càng sâu.
Theo một nhà cung cấp dữ liệu trong ngành, khoảng 2.350 quỹ phòng hộ có danh mục đầu tư cổ phiếu trong tháng trước đã giảm xuống dưới ngưỡng thường buộc họ phải cắt giảm mức độ tiếp xúc, trong đó nhiều quỹ phải thanh lý cổ phiếu. Các nhà phân tích của China Merchants Securities thông báo những dấu hiệu căng thẳng như vậy đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử.
Không như một số thị trường khác, quy định bán cổ phiếu ở Trung Quốc lại khá phổ biến, được đặt ra để bảo vệ các nhà đầu tư quỹ phòng hộ tránh lỗ quá lớn. Tuy nhiên, quy định này lại phản tác dụng khi thị trường giảm giá vì nhiều quỹ buộc phải cắt giảm lượng nắm giữ cổ phiếu. Theo nguồn tin thân cận, các sàn giao dịch đã yêu cầu một số quỹ phải đánh giá áp lực đối với các danh mục của họ kể từ tháng 3.
Yan Hong - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quỹ phòng hộ Trung Quốc tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải, cho biết: "Áp lực đối với thị trường nhìn chung là khá lớn sau đà tăng trưởng nhanh vào năm ngoái, đặc biệt là khi các quỹ buộc thanh lý bớt cổ phiếu."
Bất chấp đà hồi phục ngắn ngủi, CSI 300 đã có giai đoạn ghi nhận hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2008 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Trong năm nay, chỉ số này đã giảm khoảng 17% do ảnh hưởng của các đợt phong toả, quy định với các doanh nghiệp tư nhân bị siết chặt và tâm lý nhà đầu tư đi xuống. Một loạt số liệu kinh tế mới công bố trong tháng này cũng đang cho thấy chiến lược zero Covid của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, làm dấy lên lo ngại rằng thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn.
Đối với ngành quỹ phòng hộ đã ghi nhận đà tăng 66% vào năm ngoái và quản lý tổng cộng 6,1 nghìn tỷ NDT (903 tỷ USD) tài sản vào năm ngoái, thì những gì đang diễn ra là sự đảo ngược lớn. Tính đến ngày 31/3, ngành này đang quản lý 6,35 nghìn tỷ NDT.
Hiện tại, mọi chiến lược đầu tư đều ghi nhận những khoản lỗ trong quý đầu tiên, ngoại trừ các quỹ tập trung vào hàng hoá. Yêu cầu bán, thanh lý cổ phiếu đã gây áp lực cho các quỹ vốn đang gặp khó khăn, khiến cơ hội hồi phục là rất ít.
Tính đến ngày 22/4, gần 10% trong số hơn 24.500 quỹ phòng hộ nắm giữ cổ phiếu được theo dõi bởi Shenzhen PaiPaiWang Investment & Management Co. đã ghi nhận các chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới mức 0,8 NDT, đây là ngưỡng cảnh báo thường thấy khi các quỹ phải cắt giảm vị thế đối với các cổ phiếu xuống dưới mức 50%. Khoảng 7% quỹ được theo dõi đã trượt khỏi ngưỡng 0,7 NDT - được gọi là ngưỡng cắt lỗ, bắt buộc họ phải thanh lý. Theo báo cáo của Merchants Securities, hơn 1.000 quỹ đã thanh lý cổ phiếu trước hạn trong năm nay.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Geshang Wealth cho thấy hơn 1/4 các quỹ vị thế mua (long fund) trong tổng số họ theo dõi đã rớt khỏi ngưỡng 0,8 NDT tính đến ngày 5/5, tăng so với mức 16% vào giữa tháng 3.
Xie Shiqi - nhà phân tích tại Beijing Jinzhang Investment Management Ltd., quỹ phòng hộ liên kết với Geshang Wealth, cho biết việc họ buộc phải bán cổ phiếu khi thị trường giảm sâu như thế này không chỉ khiến thị trường còn giảm mạnh hơn nữa, mà còn ngăn cản các nhà quản lý quỹ tăng vị thế để tạo cơ hội cho sự hồi phục.
Hôm thứ Sáu, CSI 300 tăng 2% sau khi các ngân hàng địa phương hạ lãi suất cơ bản đối với các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, sự sụt giảm cho đến nay vẫn ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Các nhà phân tích của Merchants Securities cho biết rủi ro các quỹ phải thanh lý cổ phiếu là tương đối lớn trong thời gian hiện tại.
Quỹ định lượng Lingjun Investment là một trong những quỹ đầu tư tích cực nhất vào năm ngoái và quản lý hơn 70 tỷ NDT tính đến tháng 3. Một số chứng chỉ quỹ của họ đã giảm xuống dưới ngưỡng 0,85 NDT vào tháng trước và Lingjun cho biết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để điều chỉnh các khoản đầu tư.
Trong khi các quỹ phòng hộ ở thị trường phương Tây sử dụng ngưỡng cắt lỗ để điều chỉnh mức độ rủi ro, thì cách tiếp cận nghiêm ngặt ở Trung Quốc lại là "độc nhất". Theo hãng tư vẫn Howbuy Wealth Management Co., quy định này ban đầu được các công ty tín thác - những nhà cung cấp quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ phòng hộ đầu tiên của Trung Quốc, đưa ra nhằm bảo vệ khách hàng.
Yan nhận định, quy định này ngày càng cho thấy nhiều sự hạn chế nhưng việc loại bỏ các yếu tố được coi là "kích hoạt" đợt bán tháo lại là một thách thức lớn. Nguyên nhân là bởi sự thay đổi đó cần nhận được sự đồng tình từ tất cả các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh biến động như hiện tại, giới chức các sàn chứng khoán Trung Quốc đã liên hệ với các quỹ để đánh giá áp lực mà họ đang phải đối mặt và thảo luận về việc họ bán bớt cổ phiếu. Theo Shanghai Minghong Investment Management, ngưỡng cắt lỗ 0,65 là phù hợp hơn.
Tham khảo Bloomberg