Hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản vì bị lừa đảo qua điện thoại
Vì nghe theo lời chỉ dẫn của kẻ giả mạo cán bộ công an, người phụ nữ tại thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) đã bị mất hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản. Trước đó, nhiều người dân đã bị mất tiền oan sau khi nghe cuộc điện thoại lạ tự xưng là cán bộ công an, nhân viên ngân hàng hay những tin nhắn chứa đường link giả mạo,...
Nhiều trường hợp mất tiền tỷ vì nghe điện thoại giả mạo công an
Ngày 11/6 vừa qua, Công an thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) đã tiếp nhận đơn trình báo của bà P. (SN 1958; trú tại Sơn Tây, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.
Đối tượng thông báo bà P. có lệnh bắt của cơ quan điều tra và yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau đó bà P. phát hiện tài khoản bị mất gần hơn 1 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Được biết, đây không phải là trường hợp hiếm hoi mất số tiền lớn trong tài khoản vì nghe điện thoại giả mạo công an. Trước đó, ngày 28/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã nhận được trình báo của ông T. (82 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) về việc bị một đối tượng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an lừa đảo số tiền lớn. Cụ thể, đối tượng thông báo ông T. có liên quan một vụ án đang điều tra và yêu cầu ông cung cấp tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó ông T. phát hiện tài khoản bị mất hơn 5,5 tỷ đồng.
Ngày 7/3, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra vụ giả mạo lực lượng chức năng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 600 triệu đồng. Cụ thể, ngày 3/3, ông T. (SN 1948, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhận cuộc gọi từ số máy lạ. Người này tự xưng là công an, thông báo đang điều tra đường dây rửa tiền liên quan đến ông T. và yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản được chỉ định sẵn để xác minh. Nghe theo lời đối tượng này, ông T. chuyển 600 triệu đồng. Sau khi biết mình bị lừa, ông T. đến cơ quan công an trình báo.
Mất tiền sau cuộc gọi thông báo tài khoản bị "đóng băng"
Đầu tháng 6/2022, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo đóng băng tài khoản.
Trước đó, ngày 5/5/2021, anh Đ. (21 tuổi, quê Nam Định) nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản bị "đóng băng". Để mở lại tài khoản, anh Đ. phải nộp tiền vào một tài khoản khác. Sau 2 lần chuyển số tiền 35 triệu đồng, nam thanh niên mới biết mình bị lừa và đến công an trình báo.
Mất hơn 500 triệu trong tài khoản vì nghe điện thoại mạo danh cán bộ điện lực
Ngày 22/8/2021, Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai. Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (SN 1979, trú tại quận Hoàng Mai) về việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực. Người này thông báo thẻ căn cước công dân của chị T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP. Hồ Chí Minh và đang nợ tiền.
Sau đó đối tượng tiếp tục nói căn cước công dân của chị T. có đứng tên tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh. Chị T. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho đối tượng thì phát hiện tài khoản bị rút mất 520 triệu đồng. Lúc này, chị T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Bị lừa hơn 800 triệu đồng bằng thủ đoạn dọa phạt nguội
Ngày 8/6/2021, chị N.T.N.Y. (24 tuổi, sinh viên tạm trú tại Ký túc xá phía Tây, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi lạ từ số máy 0904.746.161 tự xưng là CSGT, thông báo chị bị phạt nguội. Cụ thể, người này nói, chị Y. điều khiển ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn, bị camera phạt nguội ghi lại. Chị Y. hoang mang thì nhận được cuộc gọi khác từ số máy 8832363822300, tự xưng là điều tra viên Công an TP. Đà Nẵng, yêu cầu chị giải trình về tài sản, nguồn gốc tiền bạc trong tài khoản.
Bị dọa khởi tố, bắt giam, chị Y. sợ hãi làm theo hướng dẫn, đăng nhập thông tin tài khoản vào một đường link, cùng nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 8049. Sau đó, 837 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Y. bị chuyển sang số tài khoản 0000474655418 mang tên Nguyễn Tấn Cường.
Mất 200 triệu trong tài khoản ngân hàng vì truy cập đường link lạ
Ngày 7/5/2021, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Minh Hoàng (23 tuổi), Trương Huy Cường (28 tuổi), Lưu Quốc Toàn (34 tuổi, cùng trú tại tỉnh Quảng Nam) để điều tra hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, đầu tháng 3/2021, chị T. (ở quận Đống Đa) trong quá trình thao tác trên ứng dụng ngân hàng đã chuyển nhầm 23 triệu đồng cho một tài khoản khác. Chị T. lên mạng đăng bài viết nhờ bạn bè chỉ cách lấy lại tiền đã chuyển nhầm.
Một lúc sau, chị T. liên hệ với tổng đài của ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tiền. Khoảng 15 phút sau, ngân hàng đã thực hiện thủ tục tra soát và chuyển lại số tiền trên vào tài khoản của chị T..
Đến sáng hôm sau, chị T. nhận được một cuộc gọi xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu chị xác nhận đã nhận lại được tiền. Sau đó, người này đã gửi cho chị T. một tin nhắn kèm theo đường link, hướng dẫn chị truy cập, đăng nhập tài khoản, mật khẩu và đọc mã OTP cho người này để hoàn tất thủ tục. Ngay sau đó, chị T. tá hỏa khi phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút mất 200 triệu đồng. Biết bị lừa, chị T. đã đến Công an quận Đống Đa trình báo sự việc.
Tiếp nhận tin báo, đội điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa đã vào cuộc điều tra, xác minh và bắt giữ 3 bị can Hoàng, Cường và Toàn.
Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại nhưng vẫn còn có người sập bẫy. Đa phần nạn nhân là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, vì lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an.