Hàng loạt 'ông lớn' ngành chip nhớ đối mặt thua lỗ khi nhu cầu sụp đổ
Sau khi chứng kiến doanh số bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Intel, Samsung, Micron và những hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu khác của thế giới đang đối mặt thua lỗ lớn trong năm nay do đà sụt giảm giá chip tồi tệ nhất trong lịch sử. Tồn kho chip toàn cầu đã tăng hơn gấp ba lần, lên mức kỷ lục, đủ đáp ứng nhu cầu từ 3-4 tháng.
Hàng loạt 'ông lớn' ngành chip nhớ đối mặt thua lỗ khi nhu cầu sụp đổ
Trong những năm gần đây, lĩnh vực chip nhớ, vốn nổi tiếng với các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ, có vẻ hoạt động ổn định hơn. Sự kết hợp giữa sự quản lý kỷ luật hơn và thị trường mới cho các sản phẩm bao gồm công nghệ 5G và dịch vụ đám mây, đảm bảo thu nhập dễ dự đoán hơn cho họ.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi các các hãng chip nhớ đưa ra những tuyên bố lạc quan đó, ngành công nghiệp chip nhớ trị giá 160 tỉ đô la đang trải quan một trong những đợt suy thoái nhu cầu tồi tệ nhất từ trước đến nay. Lượng chip tồn kho của họ đang ở mức cao kỷ lục nhưng khách hàng lại cắt giảm đơn đặt hàng và giá các sản phẩm chip giảm mạnh.
Avril Wu, Phó Chủ tịch nghiên cứu cấp cao của hãng phân tích thị trường công nghệ TrendForce, nói: “Ngành công nghiệp chip nghĩ rằng các nhà cung cấp sẽ kiểm soát tốt hơn. Nhưng cơn suy thoái hiện tại đã chứng minh nhận định này là sai lầm”.
Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ không chỉ làm cạn kiệt dòng tiền mặt của các hãng dẫn đầu ngành chip nhớ như SK Hynix của Hàn Quốc và Micron Technology của Mỹ, mà còn gây bất ổn cho các nhà cung cấp của họ, làm tổn thương những nền kinh tế châu Á vốn dựa vào xuất khẩu công nghệ, và buộc một số hãng chip nhớ còn lại phải thành lập liên minh hoặc thậm chí xem xét sáp nhập.
Các hãng chip nhớ đang đối mặt với triển vọng ảm đạm sau khi chứng kiến doanh số tăng bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh nhờ nhu cầu mua sắm thiết bị cho văn phòng làm việc tại nhà cũng như nhu cầu máy tính và điện thoại thông minh (smartphone). Giờ đây, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang trì hoãn các giao dịch mua lớn khi họ đối phó với lạm phát và lãi suất tăng. Các hãng chip nhớ và những khách hàng lớn của họ, đột nhiên bị mắc kẹt với lượng hàng tồn kho lớn.
Hiện tại, Samsung và các đối thủ trong ngành đang thua lỗ trên mỗi con chip mà họ sản xuất. Tổng mức lỗ hoạt động của họ ở mảng chip nhớ được dự báo đạt mức cao kỷ lục 5 tỉ đô la trong năm nay. Hàng tồn kho, một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ, đã tăng hơn gấp ba lần, lên mức cao kỷ lục, đủ đáp ưng nhu cầu từ 3-4 tháng.
Samsung có vẻ là công ty chip duy nhất sẽ chống chịu được cơn khủng hoảng hiện nay nhờ hoạt động kinh doanh đa dạng và mạnh mẽ của mình. Nhưng mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung cũng phải đối mặt với thua lỗ.
Ngành công nghiệp chip đang phải trải qua cơn suy thoái tồi tệ hơn những chu kỳ suy thoái trước đây do sự kết hợp tai hại của các trở ngại gồm nhu cầu sụt giảm ở thời kỳ hậu đại dịch, tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, các mức lạm phát lịch sử và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Micron, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ, đã phản ứng mạnh mẽ để ứng phó nhu cầu suy giảm. Cuối tháng trước, công ty thông báo sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư ở các nhà máy và thiết bị mới bên cạnh việc giảm sản lượng.
Tại Hàn Quốc, Hynix cũng đã cắt giảm đầu tư và thu hẹp sản lượng. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho của Hynix một phần là do quyết định mua lại mảng kinh doanh chip nhớ flash của Intel.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào ‘vua chip nhớ’ Samsung. Nhà sản xuất chip, smartphone và màn hình lớn nhất thế giới sẽ báo cáo thu nhập quí 4 vào hôm 31-1.
Samsung thường tiếp tục chi tiêu trong các thời kỳ suy thoái, với hy vọng, sau khi vượt qua khủng hoảng, hãng sẽ đạt được năng lực sản xuất vượt trội và lợi nhuận cao hơn nhờ nhu cầu tăng lên.
Tuần trước, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Lam Research Corp (Mỹ) ghi nhận lượng đơn đặt hàng giảm chưa từng thấy do các khách cắt giảm hoặc hoãn chi tiêu.
“Chúng tôi chứng kiến các biện pháp ứng phó đặc biệt trên thị trường chip nhớ. Đó là mức độ ứng phó mà chúng tôi chưa từng thấy trong 25 năm qua”, Giám đốc điều hành của Lam Research Corp Tim Archer cho biết.
Các nhà sản xuất chip nhớ luôn gặp khó khăn khi ứng phó nhu cầu tăng và giảm đột biến. Việc đưa các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ mất nhiều năm và hàng tỉ đô la đầu tư, vì vậy, họ thường rất khó chọn đúng thời điểm tốt để tăng công suất.
Những rủi ro như vậy khiến các công ty trong ngành trở nên thận trọng hơn. Họ đang tập trung vào lợi nhuận, hơn là tìm cách tăng trưởng nhanh chóng và giành thị phần.
Shin Jinho, đồng Giám đốc điều hành của Midas International Asset Management, cho biết điều đó đặc biệt đúng đối với chip nhớ DRAM. Samsung, Hynix và Micron, ba nhà cung cấp kiểm soát thị trường chip DRAM, đang cắt giảm nguồn cung. Jinho cho rằng chip NAND flash, phân khúc quan trọng khác của thị trường nhớ, bị phân mảnh nhiều hơn và sẽ trải qua một cuộc chiến khốc liệt hơn khi nhiều đối thủ cạnh tranh để tồn tại
Ông nói: “Thị trường chip NAND đang trải qua sự cạnh tranh khốc liệt và sự phục hồi sẽ diễn ra một quí sau khi thị trường chip DRAM phục hồi. Nếu tình hình suy thoái kéo dài hơn, chúng ta sẽ thấy các hoạt động hợp nhất trên thị trường chip NAND”.
Ngành công nghiệp chip nhớ đã chứng kiến các vụ sáp nhập trong thời kỳ suy thoái trước đây và lần này có thể không phải là ngoại lệ. Các nhà sản xuất chip NAND như Western Digital Corp. (Mỹ) và Kioxia Holdings Corp. (Nhật Bản) đang phán một thỏa thuận sáp nhập.
Câu hỏi dài hạn đối với ngành chip nhớ là khi nào nhu cầu của khách hàng sẽ phục hồi. Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại HMC Investment & Securities, nhận định việc Trung Quốc gần đây từ bỏ chính sách ‘zero Covid’ có thể là một chất xúc tác hỗ trợ cho ngành, vì các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có thể đưa các nhà máy sản của họ trở lại tốc độ sản xuất bình thường.
Chánh Tài
TBKTSG