Hàng loạt nhà máy ở châu Âu dừng sản xuất phân bón vì giá khí đốt tăng vọt
Hàng loạt nhà máy ở châu Âu dừng sản xuất phân bón vì giá khí đốt tăng vọt
Trong vài ngày qua, các công ty sản xuất phân bón lớn ở Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy.
Theo ước tính của các nhà phân tích, thị trường sẽ mất hơn 10% sản lượng amoniac và điều này sẽ gây tác động hơn nữa đến giá phân bón toàn cầu, vốn đã cao do ảnh hưởng từ gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột ở Ukraine.
Báo Kommersant dẫn lời các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài. Giảm mạnh sử dụng phân bón có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực ở Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, EU sẽ sớm thông qua chỉ thị cho phép các nhà nhập khẩu mua phân bón của Nga. Hậu cần hiện là thử thách lớn nhất liên quan đến vấn đề xuất khẩu của Nga.
Ông Dmitry Akishin tại công ty tư vấn Vygon Consulting chỉ ra rằng khí đốt chiếm đến 80-90% trong chi phí sản xuất amoniac.
Chuyên gia này ước tính tổng công suất của các cơ sở sản xuất tạm dừng hoạt động là khoảng 15 triệu tấn amoniac.
Còn đối với các nước có khí đốt rẻ, trong đó có Nga, các cơ sở sản xuất amoniac thường hoạt động 80-90% công suất vì tính cạnh tranh cao. Chuyên gia Akishin tin rằng đây là lý do thị trường khó bù đắp được khối lượng tổn thất. Ông đồng thời nêu ra những triển vọng tốt đẹp cho các điểm sản xuất mới đang được xây dựng ở Nga.
Bà Nina Adamova tại Trung tâm Dự báo Kinh tế của Gazprombank tin rằng không nhà sản xuất nào có thể bù đắp nguồn cung từ châu Âu cho thị trường toàn cầu trong vòng sáu tháng tới.
Ngày 26/8, giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đã tăng lên mức 322 euro/MWh. Giá mặt hàng này đã tăng đột biến trong những ngày gần đây do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sang thị trường này bị gián đoạn.