Hàng loạt ngân hàng theo chân Fed tăng lãi suất
Sau khi mất quá nhiều thời gian để kiểm soát giá cả leo thang, các quan chức ngân hàng trung ương đã không còn đủ kiên nhẫn.
Ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất suất cho vay lần thứ năm lên 0,75% và cho biết họ sẽ còn nhiều động thái hơn nữa trong thời gian tới. Chỉ một ngày sau, các ngân hàng trung ương trên khắp châu Á và châu Âu cũng đã tiến hành các chiến dịch của riêng mình nhằm kiểm soát tỉ lệ lạm phát khiến cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách đau đầu.
Tỉ lệ lạm phát dao động từ 3,5% ở Thụy Sĩ đến gần 10% ở Anh là kết quả của sự phục hồi nhu cầu sau một thời gian đại dịch làm gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là từ Trung Quốc, và giá nhiên liệu cùng các mặt hàng khác leo thang do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Chúng tôi nghĩ rằng thất bại trong việc ổn định lại giá cả đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải chịu nỗi đau lớn hơn nhiều trong tương lai”, Chủ tịch Fed Jerome Powell Fed phát biểu tại cuộc họp báo hôm 21/9. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cho vay lên 4,4% vào năm 2023.
Cuộc đua lãi suất
Ông Powell từng ví việc hoạch định chính sách giống như việc đi qua một căn phòng được trang bị đầy đủ nội thất nhưng không sáng đèn: Bạn phải đi thật chậm mới tránh được kết cục đau đớn.
Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng tỉ lệ cho vay cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,25%, mức cao nhất trong 14 năm qua. Ngân hàng này cho biết, họ sẽ tiếp tục “phản ứng mạnh mẽ, khi cần thiết” đối với lạm phát, bất chấp nền kinh tế đang bước vào suy thoái.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 23/10 để chống lạm phát, ngay cả khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy nền kinh tế châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Dự kiến, ECB sẽ nâng lãi suất từ 0,75% ở thời điểm hiện tại lên gần 3% vào năm 2022.
Khi các cơ quan quản lý tiền tệ lớn nâng chi phí đi vay, các đối tác thương mại của họ sẽ làm điều tương tự nhằm tránh những biến động lớn khiến giá nhập khẩu tăng lên hoặc gây ra bất ổn tài chính.
2 ngày sau khi Thụy Điển tăng lãi suất thêm 1% lên 1,75%, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ tăng lãi suất chuẩn lên 0,5%, trong khi Na Uy nâng lãi suất lên 2,25%. Kỷ nguyên lãi suất dưới 0% ở châu Âu kết thúc.
Ngân hàng Trung ương Nam Phi cũng tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm một lần nữa để kiểm soát lạm phát.
Tại châu Á, Indonesia tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,25%. Philippines và Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhật Bản là một ngoại lệ khi ngân hàng trung ương nước này tiếp tục giữ lãi suất gần bằng 0 với hi vọng phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng quốc gia này khó làm được điều đó khi cả thế giới đang dịch chuyển theo xu hướng nâng cao chi phí cho vay.
“Lập trường của chúng tôi về việc duy trì chính sách tiền siêu lỏng hoàn toàn không có gì thay đổi trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi sẽ không tăng lãi suất trong một thời gian”, Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết sau khi quyết định về chính sách được đưa ra.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch đã ngay lập tức phản ứng với quyết định này, đẩy đồng Yên xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Chính phủ Nhật Bản đã phải can thiệp để cứu đồng tiền này khỏi đà lao dốc. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/1998, Chính phủ quốc gia này thực hiện can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng Yên và bán ra đồng USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một đợt giảm lãi suất bất ngờ khác vào hôm 22/9 bất chấp lạm phát đang ở mức hơn 80%, đưa đồng lira xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD.
Cụ thể, ngân hàng này đã hạ lãi suất cơ bản từ 13% xuống 12% và đổ lỗi cho giá tiêu dùng tăng vọt do các yếu tố bên ngoài như chi phí năng lượng và lương thực tăng vọt theo sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nguy cơ suy thoái
Vào những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nâng lãi suất trong nỗ lực nhằm kiểm soát lạm phát, nhưng họ phải lùi bước khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Do đó, lạm phát tiếp tục leo thang và cuối cùng đạt đến mức không thể kiểm soát được khi giá dầu tăng vọt vào năm 1979. Dưới thời Chủ tịch Paul A. Volcker, Fed cuối cùng đã quyết định tăng lãi suất lên gần 20% nhằm đưa giá cả đi xuống.
Câu chuyện này đã trở thành nỗi ám ảnh đè nặng lên tâm trí các nhà hoạch định chính sách ngày nay. Các ngân hàng trung ương cho rằng việc kiềm chế tốc độ tăng giá là nhiệm vụ cốt yếu của họ trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng họ có thể đẩy các nền kinh tế vào cuộc suy thoái sâu hơn mức cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cho rằng tốc độ thắt chặt ở châu Âu là một sai lầm và Fed cũng có thể làm quá mức khi các cú sốc về nguồn cung đang giảm dần và các động thái chính sách gần đây vẫn chưa phát huy được đầy đủ tác dụng.
“Các ngân hàng trung ương rõ ràng đang tranh giành để tăng lãi suất khi lạm phát tăng ở mức chưa từng thấy trong gần 2 thế hệ. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải ngẩng đầu lên và nhìn sang xung quanh”, ông Maurice Obsfeld, nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đồng thời là cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết .
Nguyễn Tuyết (Theo The News, New York Times)