Hàng loạt ngân hàng Mỹ bị Moody’s hạ xếp hạng
Chi phí huy động vốn cao hơn, vốn pháp định yếu kém và rủi ro gia tăng liên quan đến các khoản vay bất động sản là lý do cho quyết định mới nhất của Moody’s.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s hôm 7/8 đã hạ xếp hạng tín dụng của một số ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ, đồng thời cho biết họ có thể sẽ hạ bậc một số ngân hàng lớn nhất quốc gia này.
Moody’s đã hạ một bậc xếp hạng của 10 ngân hàng bao gồm M&T, Webster Financial, BOK Financial, Old National, Pinnacle Financial Partners, và Fulton Financial. Tổ chức này cũng đưa 6 ngân hàng lớn khác, bao gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial vào diện xem xét để hạ cấp.
“3 yếu tố này đã hạ thấp hồ sơ tín dụng của một số ngân hàng Mỹ, mặc dù không phải tất cả các ngân hàng đều như nhau”, tổ chức này đánh giá.
Theo Moody’s, thu nhập của nhiều ngân hàng trong quý II/2023 “cho thấy áp lực lợi nhuận ngày càng tăng sẽ làm giảm khả năng tạo ra vốn nội bộ của họ. Điều này xảy ra trong bối cảnh Mỹ sắp phải đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ vào đầu năm 2024 và chất lượng tài sản có vẻ sẽ giảm. Danh mục đầu tư bất động sản thương mại (CRE) của một số ngân hàng sẽ gặp phải những rủi ro lớn”.
Tổ chức này cũng cho biết, mức độ rủi ro CRE cao gây ra bởi lãi suất cao, nhu cầu văn phòng giảm do xu hướng làm việc từ xa và nguồn cung tín dụng giảm.
Ngoài ra, Moody’s cũng thay đổi triển vọng thành tiêu cực đối với 11 ngân hàng lớn, bao gồm Capital One, Citizens Financial và Fifth Third Bancorp.
Sự sụp đổ của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature vào đầu năm nay đã gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng Mỹ, dẫn đến việc rút tiền gửi tại một loạt các ngân hàng khu vực, mặc dù các nhà chức trách đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin.
Báo cáo của Moody’s được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến nhu cầu đi vay chậm lại.
Dữ liệu khảo sát của Fed được công bố tuần trước cho thấy, các ngân hàng Mỹ đã đưa ra các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ hơn, do đó nhu cầu vay của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều yếu hơn trong quý II.
Mới đây, Fitch, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác, cũng đã hạ bậc xếp hạng của Mỹ từ AAA xuống AA+ do tình hình tài chính xấu đi trong 3 năm tới và các cuộc đàm phán trần nợ lặp đi lặp lại .
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Bloomberg)