Hàng loạt hồ nước mới xuất hiện ở Alaska khiến các nhà khoa học lo lắng vì 'thảm họa' ẩn sâu bên dưới

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 09:54:30

(Tổ Quốc) - NASA cho biết các vùng hồ ở Alaska đang tạo nên mối nguy hiểm trông thấy cho Trái Đất và con người.


Những vùng hồ đặc biệt tại Alaska (Mỹ) được giới khoa học gọi là những vùng nhiệt điện tử, bởi chúng chứa đầy các loại khí và vi khuẩn gây hại cho khí hậu. Chúng nguy hiểm đến mức con người có thể dễ dàng nhận ra khi trông thấy lớp bọt sủi trên bề mặt.


Theo một nghiên cứu năm 2021, ngày càng có nhiều hồ nước dạng này xuất hiện khi lớp băng vĩnh cửu ở Alaska tan ra khi nhiệt độ và nạn cháy rừng tại đây ngày càng gia tăng.


Khi điều này xảy ra, những khối băng khổng lồ chèn vào lòng đất cũng tan chảy, khiến mặt đất sụp xuống. Khi nước xâm nhập vào các hố sụt, vi khuẩn độc trong lòng đất cũng được kích hoạt. Cùng với hiện tượng này, một lượng khí mê-tan lớn đồng thời được giải phóng vào bầu khí quyển.

Các hồ băng ở Alaska.


Có hàng triệu hồ băng ở Bắc Cực, nhưng chúng đã trải qua hàng nghìn năm tuổi và không còn đột ngột thải ra một lượng khí độc lớn nữa. Chỉ những hồ mới hơn, xuất hiện cách đây chưa đầy 50 năm như ở Alaska mới thải ra khí quyển một lượng khí mê-tan cao.


Vấn đề ở chỗ, những hồ nhiệt điện tử này đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Alaska và khiến giới nghiên cứu cảm thấy lo lắng.


Mặc dù carbon dioxide (CO2) vẫn là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu trong dài hạn, nhưng rò rỉ khí mê-tan đã trở thành một vấn đề nóng trong nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu toàn cầu.


Mê-tan là một loại khí nhà kính, với đặc tính giữ nhiệt tỏa ra từ mặt đất, khiến lượng nhiệt này bị mắc kẹt trong bầu khí quyển, làm chậm quá trình tự làm nguội của Trái đất.

Trái Đất bị ảnh hưởng khi lượng khí mê-tan được thải vào bầu khí quyển.


Mê-tan có hiệu ứng mạnh hơn nhiều so với CO2, hiệu quả hơn khoảng 30 lần trong việc giữ nhiệt nhưng cũng tan nhanh hơn so với CO2.


Mê-tan cũng góp phần vào sự hình thành tầng ô-zôn tầm mặt đất, nguyên nhân gây ra khoảng 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên khắp thế giới. Các hoạt động của con người như nông nghiệp, khai thác nhiên liệu, và các bãi chôn lấp là những yếu tố góp phần lớn vào việc phát thải khí mê-tan.


Con người đang có ý thức hơn trong việc kiểm soát các nguồn rò rỉ khí mê-tan từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các diễn biến tự nhiên khác như sự việc tại Alaska cũng góp phần vào quá trình kiểm soát biến đổi khí hậu toàn cầu.


Tham khảo ScienceAlert

Chia sẻ Facebook