Hàng loạt địa phương bị mất điện do bão Noru
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông tin nhanh về ảnh hưởng bão số 4 (Noru) đến vận hành nguồn và lưới điện.
Theo đó, EVN cho biết, bão số 4 và hoàn lưu bão đã gây ảnh hưởng cung cấp điện cho nhiều khu vực tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định , Phú Yên, Kon Tum.
Tổng công suất bị gián đoạn cung cấp điện là 673 MW, chiếm khoảng gần 23% tổng công suất tiêu thụ điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung. Hiện nay, các đơn vị điện lực tại miền Trung đang tập trung nỗ lực khắc phục các sự cố điện do ảnh hưởng bão để khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất. Tuy nhiên, đối với một số khu vực có thể bị ngập lụt do mưa lớn sau bão bắt buộc phải cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn.
Về tình hình vận hành lưới điện cao áp, EVN cho biết có 5 sự cố đường dây 500 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Pleiku, trong đó đã khôi phục và đưa vào vận hành trở lại 3 đường dây. Lưới điện 500 kV vẫn giữ được liên kết Bắc - Nam trong bão qua đường dây 500kV mạch 3.
"Có 7 sự cố đường dây 220 kV trên một số đoạn trong khu vực từ Huế đến Quảng Nam, đã khôi phục vận hành 5 đường dây. Có 16 sự cố đường dây 110 kV và 10 trạm biến áp 110 kV, đã khôi phục vận hành 2 đường dây 110 kV", EVN thông tin.
Hiện, hệ thống đập, hồ thủy điện vẫn đang vận hành bình thường. So sánh với thời điểm trước khi bão đổ bộ vào đất liền (ngày 25/9), mực nước thượng lưu của phần lớn các hồ thủy điện không thay đổi nhiều. Riêng mức nước các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã tăng mạnh: Hồ A Vương tăng 9,7 m, hồ Sông Bung 2 tăng 9,3 m, hồ Sông Tranh 2 tăng 5,3 m.
Dung tích phòng lũ còn lại tại các hồ chứa thủy điện trong vùng bị ảnh hưởng là gần 1,8 tỷ m3. Các hồ chứa đang điều tiết xả tràn: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Buôn Kuốp, Srêpôk 3, An Khê, Ka Nak, Sê San 4, A Lưới.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.
Bão gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum, một số trạm mưa rất lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 362 mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 344 mm, Việt An (Quảng Nam) 628 mm, An Long (Quảng Nam) 372 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 337 mm.
Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tính đến 10h ngày 28/9, có 4 người bị thương ở Quảng Trị, sập 3 nhà (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên - Huế: 1), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà).
Chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng 2, Quảng Nam 1). Có 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam: 4.369, Đà Nẵng: 3.340, Quảng Ngãi: 1.718) và 15 xã bị mất điện (Kon Tum: 9 xã, Gia Lai : 6 xã).
Hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp (Quảng Nam: 372, Đà Nẵng: 163). Ngoài ra, tại Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đổ 1 trụ antenna; 2 đồn biên phòng ở Quảng Nam bị hư hỏng... Gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai .