Hàng loạt biệt thự xây trái phép trên đất rừng bị tháo dỡ
Tháng 9/2022, qua kiểm tra, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang đã lập biên bản 79 căn nhà cất theo kiểu biệt thự trên diện tích đất rừng phòng hộ ở xã Dương Tơ (TP Phú Quốc), tổng diện tích gần 19ha.
Hàng loạt biệt thự xây trái phép trên đất rừng bị tháo dỡ
79 căn nhà cất theo kiểu biệt thự trên diện tích đất rừng phòng hộ ở xã Dương Tơ (TP Phú Quốc) bị cơ quan chức năng xử lý, cưỡng chế tháo dỡ. Tình trạng "thâu tóm" đất rừng diễn ra ở nhiều nơi.
Đến tháng 11/2022, Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt tạm giam 3 người liên quan đến 79 căn biệt thự xây dựng không phép trên đất do Nhà nước quản lý.
Đến nay, cơ quan chức năng TP Phú Quốc đã cưỡng chế tháo dỡ một số căn biệt thự nói trên. Đồng thời, đang củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật những căn biệt thự tiếp theo.
Bình Định: Nguyên Bí thư huyện ủy "thâu tóm" 115ha đất rừng giao cho người nhà
Mới đây ngày 13/4, trả lời báo chí về vụ việc nguyên Bí thư huyện Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim "thâu tóm" đất rừng phòng hộ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định quan điểm của tỉnh là không bao che, xử lý đúng người đúng tội.
"Hiện nay, vụ việc đang giao cho Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh đưa vào diện theo dõi, quản lý. Cơ quan công an đang điều tra, UBND tỉnh đang chờ kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra", ông Tuấn cho hay.
Trước đó, tháng 12/2022, Thanh tra tỉnh Bình Định công bố sai phạm liên quan việc chiếm đất rừng trong nhiều năm của ông Nguyễn Đình Kim.
Theo cơ quan thanh tra, khi đương chức Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, ông Kim đã tự viết đơn, chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông gồm chị ruột, 3 cháu ruột và con trai.
Cụ thể, tại tiểu khu 176a, xã Vĩnh Hòa cũ (nay là xã Vĩnh Hiệp), Thanh tra xác định UBND huyện Vĩnh Thạnh giao tổng cộng 115ha đất rừng phòng hộ cho các hộ Bùi Văn S., Nguyễn Thị T., Bùi Thị Ngọc V. và cá nhân ông Nguyễn Đình S. là không đúng đối tượng quy định; có dấu hiệu thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ giao đất, đứng tên hộ, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Trong đó, ông Bùi Văn S. và bà Bùi Thị Ngọc V. đều là con ruột bà Nguyễn Thị T. (chị ruột ông Nguyễn Đình Kim). Còn Nguyễn Đình S. là con ruột của ông Kim. Những người này đều không thường trú ở địa phương.
Bản đồ trích lục các khu đất xin giao, do ông Kim nhờ người đo vẽ rồi chuyển phòng kinh tế - hạ tầng nông thôn huyện ký xác nhận. Tại thời điểm giao đất, phòng không có thiết bị và không có cán bộ chuyên môn phù hợp để đo vẽ, biên bản thẩm định hồ sơ xin giao đất không có đầy đủ thành phần tham dự. Nguyên chủ tịch xã Vĩnh Hòa cũng xác nhận chữ ký của UBND xã trên đơn xin giao đất cho các hộ này cũng là giả.
Sau khi được giao 4 lô đất rộng 115ha, từ năm 2004 đến nay, ông Kim trực tiếp quản lý, canh tác.
Còn tại xã Vĩnh Hảo, năm 2006 với cách thức tương tự, ông Kim tự viết và ký vào hồ sơ cho cháu gọi ông bằng cậu ruột, để xin giao 23 ha đất. Việc "thâu tóm" của ông Kim bị địa phương phát hiện khi nguyên bí thư huyện chuyển nhượng 115 ha cho người khác.
Thanh tra tỉnh Bình Định đã yêu cầu UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân có khuyết điểm, thu hồi gần 140ha đất rừng đã giao không đúng đối tượng.
Cưỡng chế nhiều công trình xây dựng trái phép
Năm 2016, Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ ra 68 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà giai đoạn từ 1997 đến 2010. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ dân trồng rừng và phát triển kinh tế là trái quy định.
UBND TP đã chỉ đạo quận Sơn Trà hoàn thành việc xử lý công trình trái phép trong năm 2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên quận mới xử lý được 10 trường hợp. UBND quận đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ công trình còn lại.
Vào tháng 3/2023, UBND quận Sơn Trà đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thêm 7 trường hợp vi phạm, xây dựng công trình trái phép ở bán đảo Sơn Trà. Các hộ dân này bị phạt về hành vi chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước cho phép; tự ý xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất.
Các hộ trên bị phạt từ 5 - 12 triệu đồng, cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất rừng, trả lại đất đã chiếm cho Nhà nước quản lý. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Mới đây, ngày 13/4, quận Sơn Trà cho biết, đã ban hành các quyết định cưỡng chế với 5/58 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà theo kết luận thanh tra.
Tại Quảng Nam, vào tháng 5/2019, UBND huyện Phú Ninh quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Văn Luận (trú xã Tam Đại, huyện Phú Ninh) khi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Người này bị phạt số tiền 20 triệu đồng khi tự ý tổ chức xây dựng một số hạng mục công trình nhà thờ tộc trên đất rừng.
Hồ Giáp