Hàng không thế giới đối mặt với quá tải
Không chỉ Việt Nam, hàng loạt sân bay trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng quá tải vì hạ tầng yếu kém, thiếu nhân sự.
Quá tải khắp nơi
Tại sân bay Sydney (Úc), hàng dài người xếp hàng qua cửa an ninh là một cảnh tượng đang trở nên quen thuộc kể từ khi Úc mở cửa trở lại. "Tôi nghĩ giờ chúng ta phải chịu như vậy thôi. Sau khi chôn chân ở nhà quá lâu, nhiều người sẽ muốn đi du lịch. Cái cần bây giờ là xây một sân bay to hơn", anh Sanjeep, một hành khách, cho biết.
Một trong những "điểm nóng" là châu Âu, khi hàng dài người chen chúc xếp hàng chờ làm thủ tục, vali chất đống không đủ người sắp xếp,… tại hàng loạt sân bay như Manchester (Anh), Dublin (Ireland) hay Schiphol (Hà Lan).
Dữ liệu của nền tảng theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy, trong tháng 6-2022, 25% chuyến bay tại châu Âu (trừ Nga) cất cánh muộn. Hội đồng Hàng không quốc tế - hiệp hội thương mại của các sân bay châu Âu - dự đoán rằng tình trạng hoãn chuyến sẽ "không thể tránh khỏi" tại 2/3 các sân bay châu Âu vào mùa hè này.
Tình trạng cũng không khá hơn tại các sân bay ở Mỹ, khi hơn 2.300 chuyến bay bị hoãn trong hai ngày 1 và 2-7 do nhu cầu đi nghỉ nhân dịp lễ Quốc khánh Mỹ tăng cao.
Tại Việt Nam, các sân bay cũng liên tục lâm vào tình trạng đông đúc, quá tải khi nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh trong dịp hè.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách qua các cảng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 40,7 triệu khách (tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021). Cụ thể, lượng khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách (tăng 904,6%) và khách nội địa đạt 38,9 triệu khách (tăng 52,6%).
Thiếu nhân lực, hạ tầng kém
Cục Hàng không Việt Nam cho biết sản lượng vận chuyển hành khách đang vượt quá công suất thiết kế của nhiều sân bay, đặc biệt tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, khiến tỉ lệ chậm, hủy chuyến có xu hướng gia tăng so với trước đây.
Trong khi đó, đường băng của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được sửa chữa, nhưng các chuyến bay vẫn chưa thể cất cánh, hạ cánh song song do 2 đường băng quá sát nhau, khiến hành khách lên máy bay đúng giờ nhưng vẫn chờ một thời gian dài mới được cất cánh.
Ngoài ra, tình hình thời tiết không tốt tại các sân bay trong thời gian qua, đặc biệt là tại Tân Sơn Nhất, dẫn tới hậu quả nhiều chuyến bay không thể cất, hạ cánh đúng giờ, tạo hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến các chuyến bay sau đó.
Theo các chuyên gia, tình trạng quá tải tại các sân bay chủ yếu do thiếu nhân lực trong hầu hết các khâu, từ kiểm soát không lưu, an ninh sân bay, xử lý hành lý, phục vụ ăn uống, làm thủ tục lên máy bay… Cùng với đó, các yếu tố thời tiết xấu, hạ tầng sân bay yếu kém… cũng làm cho tình trạng trầm trọng thêm. Những nguyên nhân này khiến nhiều chuyến bay không thể thực hiện đúng giờ.
Giám đốc điều hành Julia Lo Bue-Said của Tập đoàn Advantage Travel, đại diện cho 350 công ty lữ hành của Anh, cho biết: "Mọi người đang đổ xô đi du lịch trong mùa hè. Tuy nhiên, các sân bay lại thiếu hụt nhân viên, điều này tạo ra tình huống nút thắt cổ chai trong hệ thống. Khi một thứ gì đó lệch ra khỏi quy trình, hậu quả kéo theo sẽ rất lớn".
Năm ngoái, Hãng Spirit Airlines đã thiệt hại 50 triệu USD do hoãn, hủy các chuyến bay trong tháng 7 và tháng 8.
Southwest Airlines mất 75 triệu USD cũng vì hoãn, hủy chuyến trong tháng 10. Đó là lý do mà không một hãng hàng không nào muốn gặp phải, bởi việc này không chỉ gây thiệt hại cho hãng, mà còn gây thiệt hại, bức xúc cho hành khách.