Hàng không phục hồi, hãng bay vẫn "đau đầu" vì...lỗ

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 16:59:32

Các hãng hàng không Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể có lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách, hàng hóa.


Trong quý III năm nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines - HVN) ghi nhận doanh thu thuần gần 21.200 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần cùng kỳ 2021 và cũng là mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.

Doanh thu của riêng hoạt động vận tải hàng không là hơn 15.500 tỷ đồng, cao gấp 5,7 lần quý III năm ngoái. Doanh thu từ hoạt động phụ trợ tăng 12,5% lên gần 837 tỷ. Lần đầu tiên kể từ khi COVID-19 bùng phát, Vietnam Airlines có lãi gộp 165 tỷ đồng.

Những kết quả này đạt được là nhờ các biện pháp chống dịch Covid-19 tại Việt Nam và một số nước trên thế giới đã được gỡ bỏ, số chuyến bay hồi phục nhanh. Riêng trong ba tháng 7 – 8 – 9/2022, Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã khai thác tổng cộng 40.077 chuyến bay, gấp gần 11 lần quý III/2021.

Mặc dù hoạt động có cải thiện nhưng Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 11 liên tiếp.

Mặc dù khoản lỗ trong quý III vừa qua của Vietnam Airlines thấp hơn so với quý liền trước cũng như cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn là khoản lỗ lớn.

Vietjet lỗ do hoạt động tài chính không đủ bù đắp

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) chưa năm nào lỗ sau thuế dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch, nhưng kết quả này đạt được là nhờ khoản doanh thu tài chính và các thu nhập bất thường khổng lồ.

Ví dụ năm 2020, Vietjet lỗ gộp 1.412 tỷ đồng nhưng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 970 tỷ và “thu nhập khác” lên tới hơn 1.770 tỷ. Nhờ vậy, Vietjet vẫn có lãi sau thuế gần 69 tỷ.

Sang năm 2021, Vietjet lỗ gộp hơn 2.000 tỷ nhưng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính hơn 4.000 tỷ, giúp tổng kết có lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng.

Nếu không có các khoản doanh thu tài chính khổng lồ và thu nhập khác bất thường kể trên, Vietjet cũng không tránh khỏi thua lỗ tương tự như Vietnam Airlines trong hơn hai năm đại dịch vừa qua. Các hãng bay không thể có lãi khi chỉ dựa vào hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.

Riêng quý III năm nay, Vietjet ghi nhận lãi gộp hợp nhất gần 364 tỷ, không đủ để thanh toán chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Cuối cùng, hãng bay giá rẻ này vẫn báo lãi là nhờ có thêm doanh thu hoạt động tài chính. Bên cạnh đó, Vietjet còn hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 370 tỷ đồng, giúp chi phí tài chính đi xuống tương ứng.

Chỉ xét riêng hoạt động của công ty mẹ, Vietjet lỗ gộp 445 tỷ đồng trong quý III, trái ngược với khoản lãi gộp hợp nhất vừa kể trên do không tính đến khoảng 770 tỷ đồng doanh thu từ việc chuyển quyền sở hữu, thương mại tàu bay và động cơ. Rõ ràng khoản thu lớn này không phải từ việc bán vé vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Do số lỗ gộp quá lớn nên cho dù doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ (từ 20,6 tỷ lên 206 tỷ), công ty mẹ Vietjet vẫn lỗ ròng 767 tỷ đồng trong quý III.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính hợp nhất của Vietjet lao dốc 85% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 552 tỷ đồng.

Sự đi xuống của nguồn thu tài chính là điều khó tránh khỏi do doanh nghiệp không thể có công ty con để bán mãi và không thể có các khoản đầu tư để thanh lý mãi. Việc tìm người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phần trong các công ty con, công ty liên kết là nhiệm vụ không hề đơn giản.


Năm 2021, Vietjet chuyển nhượng cổ phần của Công ty Đầu tư và Phát triển Pacific Star cho các bên liên quan với tổng giá trị 5.184 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, khoản phải thu này sẽ được thanh toán trong thời hạn 30 tháng.

Giao dịch chuyển nhượng vốn Pacific Star làm đẹp báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và giúp Vietjet ghi nhận lãi nhưng không lập tức mang lại dòng tiền lớn – điều mà hãng bay cần nhất trong thời dịch.

Trong 9 tháng đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của Vietjet âm gần 3.600 tỷ đồng, chủ yếu do bị chiếm dụng vốn khi các khoản phải thu tăng mạnh. Riêng giá trị phải thu ngắn hạn khách hàng tại ngày 30/9 là gần 17.500 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản phải thu là gần 53.900 tỷ, chiếm 80% tổng tài sản và tăng 34,2% so với ngày đầu năm.

Bamboo Airways thua lỗ dù có doanh thu tài chính nghìn tỷ

Bamboo Airways cũng đã báo lỗ sau thời gian đầu có lãi nhờ hoạt động tài chính. Năm 2019 – tức là năm đầu tiên Bamboo bay thương mại, lỗ gộp là hơn 1.100 tỷ đồng trong khi doanh thu hoạt động tài chính lên tới trên 1.800 tỷ, giúp cho Bamboo có lãi trước thuế 303 tỷ.

Năm 2020 khi COVID lần đầu bùng phát, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên tới trên 4.600 tỷ, lớn hơn cả doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và dư sức bù đắp khoản lỗ gộp 3.604 tỷ. Kết quả là hãng bay mang thương hiệu cây tre này tiếp tục báo lãi trước thuế 398 tỷ.

Sang năm 2021, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm còn dưới 2.600 tỷ đồng trong khi lỗ gộp vượt 4.000 tỷ, Bamboo Airways báo lỗ ròng gần 2.300 tỷ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn FLC – cổ đông sở hữu 21,7% vốn của Bamboo Airways – cho thấy hãng bay này tiếp tục lỗ ròng hơn 3.500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Báo cáo tài chính của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel cho thấy hãng hàng không tân binh Vietravel Airlines cũng thua lỗ trong quý III, thể hiện qua giá trị khoản đầu tư của Vietravel dần đi xuống.

Thực tế cho thấy thị trường vận tải hàng không đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ, nhưng các hãng hàng không vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, chưa thể có lãi từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Hãng nào không có hoặc chỉ có ít doanh thu tài chính thì cầm chắc thua lỗ.

Trong một buổi tọa đàm tổ chức ngày 14/11, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải – Cục Hàng không Việt Nam, nhận định: Sau hơn hai năm chống chọi với đại dịch, các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động.

“Bộ đệm” tài chính của các hãng hàng không đã mỏng đi nhiều, “của để dành” đã được mang ra dùng gần hết nên nhu cầu được Nhà nước hỗ trợ trong thời gian tới là rất lớn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng với ngành lớn như hàng không và du lịch, Chính phủ cần phải hỗ trợ để doanh nghiệp hai lĩnh vực này có sự thích ứng, phục hồi hiệu quả. Thực tế hai năm qua, Chính phủ đang tiếp tục có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để giúp cho hai ngành hàng không và du lịch phục hồi nhanh chóng, Chính phủ cần giữ được ổn định và duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; tiếp tục có kế hoạch mở cửa bầu trời, kể cả thị trường mới.


Ngoài ra, liên quan đến thị trường hành khách, Nhà nước cần đẩy mạnh quảng bá và cải thiện vấn đề visa (thị thực). Cuối cùng là nhìn nhận thông tin từ các quốc gia để Việt Nam có sự cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng chính sách thu hút thị trường quốc tế hợp lý qua đó hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hàng không, du lịch khai thác thị trường .

Chia sẻ Facebook