Hàng bình ổn TP.HCM năm 2022: Lượng trứng gia cầm, thực phẩm khô, gia vị tăng mạnh
Số lượng doanh nghiệp và lượng hàng đăng ký tham gia chương trình bình ổn tại TP.HCM đều tăng so với năm ngoái, đặc biệt nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm như trứng gia cầm, gia vị, lương thực khô có mức tăng gấp nhiều lần.
Theo thông tin triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa được Sở Công thương TP.HCM công bố, TP đã vận động thêm nguồn lực xã hội tham gia chương trình, tăng sản lượng.
Cụ thể, nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021.
Lượng hàng đăng ký tham gia nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh so với năm 2021; trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.
Với nguồn cung trên, trong những tháng thường, lượng hàng bình ổn nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu chiếm từ 25-33% nhu cầu thị trường. Riêng giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 chiếm 35-50%.
Tương tự, ở nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so với năm 2021; lượng hàng cung ứng chiếm 35-50% nhu cầu thị trường. Nhóm mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp; trong đó, có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao là Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood. N hóm mặt hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia, với 19 nhóm thuốc.
Ngoài ra, nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch COVID-19 có 4 doanh nghiệp với hai nhóm hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế) 7.543.524 cái/tháng và nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách) 23.672 lít/tháng.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, Chương trình bình ổn năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn có tổng số 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Một số đơn vị lớn lần đầu tham gia như Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)… Đồng thời, nhiều đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối là Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra…
"Trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu toàn cầu biến động phức tạp, giải pháp cấp bách là tiếp tục đôn đốc doanh nghiệp xây dựng nguồn hàng, dự trữ đúng tiến độ; phối hợp hệ thống phân phối vận động chiết khấu để giảm áp lực tăng giá bán. Bên cạnh đó, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cơ quan này khẳng định.
Doanh thu đạt 17.381,8 tỉ đồng
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, Chương trình bình ổn năm 2021 - Tết Nhâm Dần 2022 đạt tổng doanh thu 17.381,8 tỉ đồng, trong đó lương thực, thực phẩm đạt 16.298,1 tỉ đồng. Chương trình góp phần kiềm chế đà tăng giá tiêu dùng của TP với chỉ số CPI tháng 3-2022 trên địa bàn tăng 1,71% so với tháng 12-2021 và tăng 2,03% so với tháng 3-2021, thấp hơn bình quân cả nước (tăng 1,91% so với tháng 12-2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ tháng 3-2021).
Chia rõ vai trò theo từng nhóm doanh nghiệp
Sở Công thương TP cho biết điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ nhóm đối tượng tham gia với hình thức gồm cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Qua đó, TP sẽ có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế đối với từng doanh nghiệp, nhóm mặt hàng.
Điển hình, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu… Còn doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường...
Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết hiện nay TP đang có chương trình bình ổn giá cả trước và sau Tết 1 tháng, do đó hàng hóa thiết yếu sẽ được bình ổn đến tháng 3. Tuy nhiên, đến tháng 3, các doanh nghiệp có thể đề xuất điều chỉnh giá.