Hàn Quốc sẽ điều tra di chứng COVID-19, Y học cổ truyền được chú ý
Phương pháp điều trị di chứng COVID-19 (Long - COVID) độc đáo của y học cổ truyền Hàn Quốc đang thu hút sự chú ý.
Đã hơn 2 năm kể từ khi COVID-19 tàn phá thế giới, những di chứng lâu dài của bệnh ngày càng nhiều và được chú ý quan tâm. Hàn Quốc, nơi dịch bệnh đã chậm lại gần đây, có kế hoạch điều tra dịch bệnh trên diện rộng, đồng thời, phương pháp điều trị độc đáo của y học cổ truyền Hàn Quốc cũng đang thu hút sự chú ý.
Kể từ sự bùng phát của virus corona mới vào cuối năm 2019, thế giới đã trải qua một quá trình bị thống trị bởi virus đột biến Delta nguy hiểm, sau chuyển sang quá trình bị chi phối bởi một chủng biến thể của virus Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn và ít gây tử vong hơn. Ngày nay, sự chú ý của nhân loại đã chuyển sang Hội chứng COVID-19 kéo dài (Long – COVID).
Vào ngày 10/6, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo thông báo rằng chính phủ nước này từ nửa cuối năm nay sẽ bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn về những di chứng lâu dài của COVID-19 đối với hơn 10.000 người có tiền sử mắc bệnh, đồng thời dựa trên kết quả khảo sát để xây dựng hướng dẫn điều trị. Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc tiến hành điều tra. Các mục tiêu khảo sát bao gồm bệnh nhân ở mọi lứa tuổi và hướng dẫn dự kiến sẽ chính thức được ban hành vào nửa đầu năm sau.
Hiện tại, con người biết rất ít về những di chứng lâu dài của COVID-19, từ nguyên nhân gây bệnh đến phương pháp điều trị vẫn chưa được biết rõ, và việc tìm hiểu và ứng phó với nó đã trở nên cấp thiết.
Tạp chí y khoa uy tín Lancet đã đăng một bài báo vào tháng 8/2021 cho biết các triệu chứng lâu dài của COVID-19 là thách thức số một của y học hiện đại. Nó có thể làm suy nhược hàng triệu người trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng trở lại cuộc sống và công việc bình thường của mọi người, tăng gánh nặng cho bảo hiểm y tế và tác động to lớn đến xã hội vì tổn thất kinh tế và năng suất.
Định nghĩa về di chứng lâu dài của COVID-19 vẫn chưa được thống nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa di chứng lâu dài của COVID-19 (Long – COVID) là các triệu chứng tồn tại hơn 4 tuần sau khi bị nhiễm virus corona mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa ít nhất 1 triệu chứng trong vòng 3 tháng kể từ khi được chẩn đoán là nhiễm virus corona mới, và triệu chứng này kéo dài ít nhất 2 tháng, mà không thể giải thích bằng các chẩn đoán y tế khác, thì được định nghĩa là Long – COVID.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó thở, giảm trí nhớ và khả năng tập trung (sương mù não), thay đổi vị giác và khứu giác, trầm cảm, đau đầu, tiêu chảy, v.v. Trong số này, cho đến nay, triệu chứng phổ biến nhất là cực kỳ mệt mỏi.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, kết quả các cuộc khảo sát về di chứng do Viện Y tế Quốc gia, Trung tâm Y tế Trung ương Quốc gia, Bệnh viện Đại học Kyungpook và Bệnh viện Đại học Yonsei thực hiện lần lượt cho thấy 20% đến 79% người được hỏi cho biết họ đã trải qua các di chứng.
Đối với việc điều trị Long – COVID, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, Trung y và y học Hàn Quốc, vốn bắt nguồn từ văn hóa Đạo giáo phương Đông truyền thống, đã gây được chú ý.
Các bác sĩ Trung y cho biết, phương pháp điều trị bằng Trung y có những ưu điểm riêng biệt và có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của Long – COVID. Giới y khoa Hàn Quốc cũng có quan điểm tương tự.
Y học Hàn Quốc được phát triển dựa trên nền tảng Trung y. Luận thuyết Y học Tứ tượng của Hàn Quốc là rất độc đáo, đặc sắc.
Khi chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị mở một cuộc điều tra quy mô lớn về Long – COVID, giới y khoa Hàn Quốc cũng đã vào cuộc. Hiệp hội các bác sĩ Hàn Quốc tại nước này cho biết họ đang phân loại các trường hợp điều trị hiệu quả có liên quan và phân tích dữ liệu liên quan để phản ứng với phương pháp điều trị Long – COVID của y học Hàn Quốc.
Giám đốc Go Seong-bae của Bệnh viện Hàn Quốc Uekkaedongmou Oriental Medical Clinic, cho biết, kể từ tháng Tư, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân Long – COVID. Hầu hết những bệnh nhân này đều có triệu chứng suy kiệt, một số có các triệu chứng về hệ hô hấp và tiêu hóa như ho, khó tiêu, chán ăn, một số còn có các triệu chứng về thần kinh như trầm cảm, mất trí nhớ.
Ông Go Seong-bae cho biết, ông chủ yếu sử dụng thuốc Y học Tứ tượng Hàn Quốc để chẩn đoán và điều trị, chú trọng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, để cơ thể trở lại bình thường. Đặc điểm của Y học Tứ tượng là áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân.
Ông Go Seong-bae đã giới thiệu phương pháp điều trị cho một bệnh nhân mắc các triệu chứng nghiêm trọng của chứng Long – COVID là ông Wen, 70 tuổi, sống tại Seoul. Trước khi nhiễm virus vào tháng Hai năm nay, ông Wen có sức khỏe tốt và đang có một cuộc sống bình thường. Sau khi bị lây nhiễm, do tình trạng nghiêm trọng, ông đã được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt để điều trị. Sau khi xuất viện, một tháng sau bệnh nhân vẫn còn yếu.
Ông Go Seong-bae cho biết:
“Ông Wen ngay cả đi bộ cũng rất khó khăn, chỉ cần di chuyển một chút đã bắt đầu thấy khó thở.”
Khi điều trị cho bệnh nhân này, ông Go Seong-bae đã kết hợp châm cứu 1 lần/tuần và uống thuốc bắc Hàn Quốc trong 1 tháng.
“Sau 2 tuần, bệnh nhân cho biết các triệu chứng này đã thuyên giảm, 1 tháng sau, bệnh nhân cho biết tình trạng bệnh đã cải thiện đáng kể, sinh hoạt trở lại bình thường và có thể ngắt đợt điều trị”,
ông nói.
Khi điều trị cho những bệnh nhân như vậy, ông Go Seong-bae nhấn mạnh dù không châm cứu thì “chỉ riêng tác dụng của thuốc bắc Hàn Quốc cũng đã rất tốt”.
Thư Hoa/ Theo Epoch Times
Tập ngồi thế “song bàn” khai thông kinh mạch, tăng cường miễn dịch Tập “song bàn” có thể khai thông kinh mạch toàn cơ thể, nhờ đó tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại virus tốt hơn.