Hàn Quốc: Giáo viên được phép sử dụng vũ lực để xử lý học sinh gây rối
Theo quy định mới, giáo viên tại Hàn Quốc sẽ được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối trong lớp hoặc đuổi học sinh ra khỏi lớp.
Ngày 17/8, Bộ giáo dục Hàn Quốc cho biết, học sinh từ cấp tiểu học đến trung học sẽ bị đuổi khỏi lớp học hoặc bị tịch thu điện thoại di động nếu gây rối trong giờ học.
Theo Bộ Giáo dục, chính sách lớp học mới sẽ có hiệu lực trong học kỳ sắp tới theo quy tắc giáo dục mới nhằm bảo vệ quyền và thẩm quyền của giáo viên.
Các giáo viên tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Seoul vào ngày 12/8, kêu gọi nâng cao quyền của giáo viên trong trường học - Ảnh: Yonhap
Theo quy định mới, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/9, giáo viên tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có quyền tịch thu điện thoại di động hoặc các đồ dùng gây rối khác của học sinh nếu các em không tuân theo lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Hiện tại, bất kỳ hình thức trừng phạt thể chất nào đối với học sinh đều bị cấm theo Sắc lệnh về Quyền của Học sinh - khiến giáo viên phải đối mặt với nguy cơ bị học sinh bạo lực trong lớp nhưng không thể phản ứng về mặt thể chất.
Các quy định mới cũng yêu cầu giáo viên hoặc phụ huynh phải đặt lịch hẹn trước cho một cuộc họp với nhau. Trong trường hợp phụ huynh có hành vi chửi mắng hoặc bạo lực thể chất, giáo viên có thể chấm dứt việc gặp gỡ phụ huynh và họ cũng được phép từ chối gặp phụ huynh ngoài giờ làm việc.
Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho biết: 'Những quy tắc mới này được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội mới để lập lại trật tự trong lớp học và giúp trường học trở thành nơi cân bằng cho tất cả học sinh và giáo viên'.
Hàn Quốc đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng giáo viên bị học sinh và phụ huynh hành hung hoặc tấn công thể xác, với tổng số 1.133 giáo viên đã hứng chịu các hành vi này từ năm 2018 đến năm 2022. Ngoài ra, số trường hợp học sinh vi phạm quyền của giáo viên trong lớp học đã vượt quá 2.000 vào năm 2022.
Quyền hạn của giáo viên bị suy yếu có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Những người chỉ trích cho rằng, cấm trừng phạt thân thể là nguyên nhân sâu xa khiến quyền của giáo viên bị chà đạp.
Trước đây, giáo viên có thể trừng phạt học sinh vì hành vi sai trái, nhưng hình phạt đó bị cấm kể từ năm 2010 do lo ngại rằng sẽ vi phạm quyền của học sinh đối với sự toàn vẹn về thể chất và phẩm giá con người.
Khi giáo viên được khuyến khích áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với học sinh và phụ huynh có nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của trường, dẫn đến sự gia tăng các vụ bạo lực đối với giáo viên, các nhà quan sát cho biết.