Hàn Quốc đề phòng rủi ro từ cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
21/08/2023 15:55:17

Cuộc khủng hoảng của Evergrande và Country Garden, những “ông lớn” bất động sản Trung Quốc, được cho là sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới nền kinh tế Hàn Quốc.


Bộ Tài chính Hàn Quốc hôm 20/8 cho biết, họ đã thành lập một nhóm đặc biệt để tăng cường giám sát những lo ngại về những tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc.

Động thái này được đưa ra sau khi “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande đệ đơn xin phá sản ở Mỹ, trong khi một công ty lớn khác là Country Garden cũng phải vật lộn với các vấn đề nợ nần.


Theo một quan chức khác từ Bộ Tài chính Hàn Quốc, các ngân hàng Hàn Quốc không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng mới nhất của các công ty bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng có thể có tác động gián tiếp đến Hàn Quốc nếu nó gây ra sự lo lắng trên thị trường tài chính toàn cầu, có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Khi nền kinh tế Hàn Quốc trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chúng tôi đang tăng cường giám sát các vấn đề liên quan”, một quan chức khác của Bộ này cho biết.

Tuy nhiên, đây chỉ là động thái phòng ngừa rủi ro, bởi nhiều chuyên gia thị trường cho rằng tác động đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị hạn chế, do những khác biệt cơ bản trong hệ thống ngân hàng và tài chính của Trung Quốc so với hệ thống của các thị trường tư bản tiên tiến khác.

“Tình hình hiện tại không đại diện cho tất cả các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Vấn đề phần lớn chỉ giới hạn ở Evergrande, Country Garden và một số công ty Trung Quốc khác. Những rủi ro vỡ nợ đã được thị trường biết đến và dự đoán trong những năm qua”, theo ông Seung Yeon-ju, một chuyên gia về chiến lược Trung Quốc tại công ty dịch vụ chứng khoán Shinyoung Securities.

Country Garden, công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang đối mặt với thiệt hại hàng tỷ USD và khoản nợ 200 tỷ USD chưa thanh toán. Ảnh: NY Times

Nhà phân tích giải thích rằng việc Evergrande nộp đơn phá sản ở Mỹ được coi là nỗ lực của công ty nhằm tiếp tục trì hoãn việc trả lãi cho các chủ nợ nước ngoài, đồng thời bảo vệ tài sản của mình ở nước ngoài, chứ không phải là sự phản ánh tuyệt vọng về tình hình tồi tệ của công ty.

Hơn nữa, các chỉ số mới nhất cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất vào cuối năm ngoái. Cuộc khủng hoảng nợ hiện tại sẽ ít có khả năng lan sang toàn bộ hệ thống tài chính, do sự khác biệt cơ bản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc với các thị trường tư bản khác, ông Seung nhấn mạnh.

Quan điểm của ông nhận được sự đồng tình của các chuyên gia khác.

“Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế Hàn Quốc. Tất nhiên, triển vọng bất động sản toàn cầu xấu đi có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực của Hàn Quốc. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính, nhưng ảnh hưởng trực tiếp của nó dự kiến ​​sẽ tương đối hạn chế”, ông Kim So-young, Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Hàn Quốc cho biết.


Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cũng cho rằng tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ rất hạn chế, nhưng Bộ sẽ giám sát chặt chẽ thị trường, cảnh giác với mọi ảnh hưởng tiêu cực của nó đối Hàn Quốc .


Nguyễn Tuyết (Theo Yonhap, Korea Times)

Chia sẻ Facebook