Hàn Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đất đối đất chiến thuật KTSSM
VietTimes – Hàn Quốc bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa đất đối đất chiến thuật (KTSSM), được phát triển để tấn công phủ đầu vào vũ khí hạt nhân và pháo binh, tên lửa chiến thuật khác.
Ngày 11/5, cơ quan Công nghệ và Chất lượng Quốc phòng Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật tên lửa dẫn đường chiến thuật tại một thao trường thuộc Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD). Cuộc kiểm tra tập trung vào chứng nhận chất lượng chiến đấu thực tế của tên lửa.
Hàn Quốc sẽ bắt đầu sản xuất KTSSM, một trong những vũ khí chính của hệ thống Kill Chain, được phát triển để tấn công phủ đầu vào các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và những tên lửa chiến dịch, chiến thuật khác.
Cơ quan này cho biết, kết quả thành công của cuộc thử nghiệm, tập trung vào xác nhận thực tế những chức năng của tên lửa chiến thuật KTSSM, đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển đã chứng minh được, những tính năng kỹ chiến thuật của những tên lửa này có thể được nhân rộng trong quá trình sản xuất hàng loạt.
KTSSM là tên lửa đất đối đất chiến thuật tầm ngắn (SSM), do ADD và Tập đoàn Hanwha sản xuất thông qua “Dự án Tia chớp” nhằm vô hiệu hóa sức mạnh pháo binh, tên lửa của các bên đối địch.
Mặc dù vũ khí được gọi không chính thức là KTSSM, nhưng tên chính thức của tên lửa được gọi là Tên lửa đất đối đất chiến thuật Ure. Ure được phát triển với mục đích nhanh chóng vô hiệu hóa các hệ thống pháo binh tầm xa.
Được mệnh danh là “sát thủ pháo binh”, Tập đoàn Hanwha đã thiết kế loại tên lửa này với sự hợp tác chặt chẽ của ADD. 4 tên lửa có thể được phóng gần như đồng thời từ một bệ phóng cố định, có tầm bắn đến 120 km; hệ thống phóng và tên lửa có tổng chi phí là 1,9 triệu USD.
Tên lửa đất đối đất chiến thuật của Hàn Quốc. Ảnh Military Leak
KTSSM là loại tên lửa dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GPS, có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 2 m, trang bị đầu đạn nhiệt định hình (hiệu ứng nổ lõm) cho phép xuyên qua boongke và những công trình quân sự ngầm vững chắc sâu vài mét trong lòng đất hoặc tấm bê tông có độ dày đến 1,5 m (4,9 ft). Có cấu trúc bên ngoài tương đối giống tên lửa MGM-140 ATACMS của Mỹ, nhưng Ure rẻ hơn, độ chính xác cao hơn với tầm bắn ngắn hơn...đủ để thực hiện nhiệm vụ phản pháo kích tiêu diệt các phương tiện hỏa lực của đối phương.
Ngày 21/12/ 2022, Cơ quan Phát triển Quốc phòng thực hiện thử nghiệm hệ thống pháo phản lực – tên lửa Ure-2 đang được phát triển bổ sung tại Thao trường thử nghiệm vũ khí Anheung. Hệ thống tên lửa, lắp đặt trên xe K239 Chunmoo đã phóng đạn bắn trúng mục tiêu trên khoảng cách xa 200 km.
Ngày 13/3/ 2023, Ủy ban Xúc tiến Dự án Quốc phòng lần thứ 150 sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã phê duyệt chiến lược cơ bản, kế hoạch phát triển hệ thống Tên lửa đất đối đất chiến thuật lắp đặt trên xe cơ giới và kế hoạch sửa đổi, quyết định hoàn thành chương trình phát triển Ure-2 đến năm 2032, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch trước đó.
Ngày 11/5/ 2023, Cơ quan Công nghệ và Chất lượng Quốc phòng Hàn Quốc (DTaQ) thông báo, hệ thống tên lửa đã thành công vượt qua cuộc thử nghiệm bắn đạn thật chứng nhận chất lượng của Block I, được chế tạo trong quy trình sản xuất hàng loạt.
Theo Military Leak