Hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm, hàng triệu người ở Đông Phi rơi vào cảnh chết đói
Hơn 3 triệu người tại các nước Đông Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Họ thường xuyên nhịn ăn trong ngày và phải bán tài sản của mình để tồn tại.
Các lều tạm bị người dân bỏ lại khi phải sơ tán do hạn hán tại Gode, Ethiopia ngày 12/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 25/2, ông Michael Dunford, Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cho biết, hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Saudi Arabia, ông Dunford nói, tình hình an ninh lương thực hiện nay ở Đông Phi, bao gồm cả vùng Sừng châu Phi, là 'tồi tệ nhất' trong lịch sử gần đây.
Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng sẽ kém hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi.
Ông Dunford cho biết thêm, Ethiopia, miền Bắc Kenya và Somalia phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, với một nửa dân số của Somalia cần cứu trợ nhân đạo.
Trong năm 2022, WFP đã mở rộng đáng kể hoạt động để tiếp cận hơn 5 triệu người trong khu vực, song tình hình được dự báo sẽ tiếp tục xấu đi.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 11/2022, một nhóm gồm 16 tổ chức quốc tế cho hay, thiệt hại lớn về mùa màng và thu nhập do hạn hán nghiêm trọng gây ra trong 2 năm qua đã khiến hàng triệu người ở Somalia, Kenya và Ethiopia rơi vào khủng hoảng.
Tại Somalia, hạn hán đã khiến hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ đồng ruộng để chuyển đến các địa điểm sơ tán.
Ông Dunford cho biết, WFP đã huy động hơn 4,6 tỷ USD trong năm ngoái, với Mỹ là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất, lưu ý rằng chương trình này đang cần nguồn tài trợ từ tất cả các nhà tài trợ, bao gồm cả Saudi Arabia. Trong 6 tháng tới, WFP cần hơn 455 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ ở Somalia.