Hạn hán kỷ lục khắp thế giới
Giữa những căng thẳng địa chính trị gây ra khủng hoảng năng lượng và lương thực, người dân khắp thế giới còn phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước trầm trọng, đe dọa ngành nông nghiệp nhiều quốc gia.
Chúng ta cần hướng tới các giải pháp thay vì tiếp tục với các hành động tàn phá (môi trường). Cần có niềm tin rằng sự thay đổi có thể sửa chữa vấn đề.
Ông Ibrahim Thiaw
Một báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc cho thấy tần suất và thời gian hạn hán đã tăng gần 1/3 kể từ năm 2000. Biến đổi khí hậu được cho là thủ phạm góp phần gây ra tình trạng này.
"Vua của các con sông" trơ đáy
Trong mùa hè này, châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng kinh hoàng và khô hạn kỷ lục, trong đó miền bắc nước Ý trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến sông Po, được gọi là "vua của các con sông" và nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này, cạn trơ đáy.
Nước Pháp bị tàn phá bởi những trận cháy rừng diện rộng và vùng thung lũng Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua sông. Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động thương mại thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.
"Có hai nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này: một là lượng mưa thiếu hụt trong ba năm qua và sự gia tăng nhiệt độ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu", Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết.
Theo các nhà khoa học, đợt hạn năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua.
Hạn hán gây ra nhiều tác động khác như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức trong bối cảnh nước này mở rộng nguồn nhiên liệu thay thế cho khí đốt từ Nga. Hạn hán cũng gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Pháp và gây cháy rừng ở Anh.
Tại Mỹ, hơn 43% tiểu bang đang chịu hạn hán khiến nông dân phải phá bỏ cây trồng và bán gia súc vì thiếu nước canh tác, theo đài CNN. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hạn hán gia tăng nhanh chóng tại các vùng đồng bằng miền trung, nam và trung nam, làm cạn kiệt độ ẩm của lớp đất mặt, ảnh hưởng đáng kể đến đất đai, cây cối và mùa màng.
Nhưng châu Phi mới là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán do lượng mưa thấp liên tục trong bốn năm qua, theo báo cáo về hạn hán của Liên Hiệp Quốc vào tháng 5-2022. Ảnh hưởng tại lục địa đen tàn khốc hơn khi hàng triệu người, đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi, bị đẩy vào nạn đói.
Con người có thể làm gì?
Để đối phó với tình trạng hạn hán khắp thế giới hiện nay, một trong những giải pháp chính là tăng cường tập trung vào phục hồi đất như kết hợp nông lâm nghiệp và hệ thống tưới tiêu hiệu quả hơn.
Theo các nhà khoa học, mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và hạn hán rất phức tạp. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng đang diễn ra một vòng lặp: nắng nóng (do biến đổi khí hậu) khiến đất và không khí khô hơn, nóng hơn, tạo ra "vòm nhiệt" cản trở các trận mưa, gây ra hạn hán.
Đáng lo ngại hơn, các nghiên cứu cho thấy khô hạn có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) dự đoán tình hình hạn hán có thể tiếp diễn đến hết thập kỷ này và biến đổi khí hậu "đóng góp" hơn 40% các đợt khô hạn trong hai thập kỷ qua.
Nhưng liệu con người có thể làm gì? Mike Rivington, nhà khoa học cấp cao tại Viện James Hutton (Anh), cho biết hạn hán là "dấu hiệu cảnh báo" chúng ta cần coi trọng nguồn nước hơn vì nó tác động đến sự vận hành của tự nhiên và cung cấp cho xã hội những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Trong báo cáo hạn hán ở châu Âu vào tháng 7-2022, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh dù các chiến lược giảm thiểu hạn hán là quan trọng hàng đầu hiện nay, nhưng chúng ta cũng cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề: biến đổi khí hậu và sự gián đoạn vòng tuần hoàn nước.
"Cần có thêm những nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi thời tiết bằng nguồn cung năng lượng thích ứng với (biến đổi) khí hậu, cũng như áp dụng các giải pháp bền vững trong nông nghiệp", báo cáo nêu.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những kỹ thuật quản lý nông nghiệp bền vững và hiệu quả để trồng nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn và ít nước hơn, và con người phải thay nguồn thực phẩm, chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật và hạn chế việc tiêu thụ động vật.
Trong khi đó, ông Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa, cho rằng khôi phục đất là một trong những giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng hạn hán hiện nay.
Hạn hán "rút cạn" sông Dương Tử
Tại Trung Quốc, hạn hán "rút cạn" nước sông Dương Tử, đe dọa mùa màng và khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa vì thiếu điện. Không chỉ chiến đấu với cháy rừng, các chính quyền địa phương còn phải chạy đua cứu vụ mùa. Trung Quốc cũng tin rằng hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra.
Cuối ngày 18-8, Trung Quốc ban hành cảnh báo màu vàng, dưới hai bậc so với cảnh báo cao nhất, trong bối cảnh các khu vực từ Tứ Xuyên đến Thượng Hải đã trải qua nhiều tuần nắng nóng khắc nghiệt.
Trước đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cảnh báo hạn hán có thể kéo dài đến tháng 9-2022 và phải mất vài tháng để sông Dương Tử khôi phục lượng nước bình thường.
Theo Trần Phương