Hạn hán khiến hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn, hòn đảo 1.000 năm lộ ra hoàn toàn
Hạn hán và nắng nóng kỷ lục khiến hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc bị khô cạn và hòn đảo 1.000 năm cũng lộ diện hoàn toàn.
Hòn đảo 1.000 năm tuổi ở giữa hồ Bà Dương lộ diện hoàn toàn là minh chứng cho thấy tác động nghiêm trọng của hạn hán kéo dài và nắng nóng bất thường tại Trung Quốc.
Theo Reuters , với diện tích lên tới 4.400 km2, hồ Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc. Đồng thời hồ nước này được ví như "quả thận" vì nó có vai trò điều phối dòng chảy của sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tây, bằng cách nhận nước lũ vào mùa hè ẩm ướt và sau đó rút đi đột ngột vào mùa thu và mùa đông khô hanh.
Năm 2022, do đợt nắng nóng kỷ lục xảy ra trên khắp lưu vực sông Dương Tử kéo dài tới hơn 70 ngày nên hồ Bà Dương đã bị thu hẹp sớm hơn bình thường và hiện nay diện tích của hồ chỉ bằng 1/5 so với cách đây vài tháng.
Thậm chí người dân địa phương chia sẻ rằng họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy.
Ông Zhang Daxian, người kiếm sống ở trên hồ, chia sẻ rằng: "Năm ngoái (2021) vẫn có nước trong hồ. Năm nay (2022), tôi không biết chuyện gì xảy ra. Hồ nước trở nên quá khô cạn".
Do hồ nước khô cạn nên Lạc Tinh Đôn, hòn đảo có niên đại hơn 1.000 năm ở giữa hồ bị lộ rõ hoàn toàn. Thay vì nước, hòn đảo cổ được bao quanh bởi những vùng đất nứt nẻ và đám cỏ dại. Lạc Tinh Đôn trước kia có tác dụng để dẫn đường, nhưng ngày nay hòn đảo này có nhiệm vụ là theo dõi mực nước.
Trên thực tế, khi hồ Bà Dương bước vào mùa khô thì phần chân của hòn đảo hơn 1.000 năm tuổi vẫn còn nằm dưới mực nước. Thế nhưng, năm nay do hạn hán cùng nắng nóng kỷ lục đã đánh dấu thời gian sớm nhất khi hòn đảo này lộ ra hoàn toàn, trong vòng 71 năm qua.
Vào ngày 24/8 vừa qua, người dân và du khách cũng có thể đi bộ trên đáy hồ khô cạn với xung quanh nhiều xác cá chết. Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc bị thu hẹp cũng gây ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước uống và hoạt động đường thủy của các cộng đồng dân cư gần đó. Trước tình trạng này, nhà chức trách cũng đã cho xả nước từ các hồ chứa ở Tam Hiệp và Đan Giang Khẩu nhằm giảm bớt tình trạng thiếu nước ở hạ nguồn.
Ông Du Lei, một kỹ sư tại trung tâm cảm biến từ xa của Bộ Tài nguyên thiên nhiên (Trung Quốc) chia sẻ, mực nước ở hồ Bà Dương vẫn tiếp tục hạ dần và một số sông nhỏ cung cấp nước cho hồ nước này đã bị khô cạn hoàn toàn.
Hồ Bà Dương có mực nước sâu trung bình là 8,4 m và là hồ nước ngọt có diện tích bề mặt rộng nhất Trung Quốc. Hồ nước này từng đạt tới kích thước kỷ lục là 6.000 km2 vào thời nhà Đường.
Hồ Bà Dương hiện là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, khi là nơi sinh sống của của hơn 300 loài chim di cư, trong đó có loài sếu Siberia cực kỳ nguy cấp. Ngoài ra, nơi đây còn là môi trường sống của Jiangzhu, một loài cá heo nước ngọt quý hiếm.
Hạn hán kéo dài gây nhiều thiệt hại khó lường
Năm 2022 có lẽ sẽ được ghi nhớ với những đợt nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt trên khắp thế giới. Từ Ấn Độ, Pakistan đến Mỹ và châu Âu, nhiều nơi đã phải chống chọi với thời tiết cực kỳ khô hạn, và sau đó là nguy cơ lũ lụt bất thường sau nhiều tháng không thấy mưa.
Minh chứng là hình ảnh vệ tinh cho thấy sông Dương Tử (Trung Quốc), con sông dài thứ 3 trên thế giới, và nhiều sông, hồ lớn trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt mực nước thấp kỷ lục. Đây là một hậu quả mới đáng sợ của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
Sông Dương Tử cung cấp nước cho 400 triệu người ở Trung Quốc, đồng thời được sử dụng cho thủy điện và hoạt động đường thủy. Thế nhưng năm nay con sông này lại chỉ nhận được lượng mưa ít hơn 45% so với mức trung bình.
Vào mùa hè năm nay, mực nước ở sông Dương Tử thấp kỷ lục. Thậm chí một số khúc sông và các phụ lưu còn bị cạn trơ đáy. Việc một số khúc sông trên sông Dương Tử khô cạn có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống thủy điện của tỉnh Tứ Xuyên. Nhiều nơi sẽ không có điện bởi hơn 80% nguồn điện của tỉnh này là nhờ vào thủy điện.
Ngoài ra, Tứ Xuyên và nhiều vùng khác ở Trung Quốc cũng có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn về năng lượng do mực nước sông Dương Tử cạn sâu. Điều này khiến cho các công ty như Tesla, Toyota, Foxconn phải đóng cửa nhà máy vì nguy cơ thiếu điện.
Theo ảnh chụp từ vệ tinh Copernicus Sentinel-2 vào tháng 8 năm 2020, 2021 và 2022 về sông Dương Tử và sông Gia Lăng, cho thấy màu sắc sông Dương Tử trong năm nay có sự khác biệt đáng kể. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao khiến nước sông bốc hơi mạnh hơn. Ngoài ra, do lượng mưa rất ít nên mực nước cũng bị hạ thấp.
Theo các chuyên gia, đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra ở Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài tới tháng 9 năm nay. Thế nhưng, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây thiệt hại cả về kinh tế và văn hóa.
Do đó, Trung Quốc cũng đang tiến hành thử nghiệm gieo mây nhân tạo tại một số vùng trồng hoa màu. Gieo mây là kỹ thuật sử dụng iod bạc hoặc các hạt tinh thể khác để tạo ra mưa.
Ngoài Dương Tử, nhiều dòng sông lớn trên thế giới như sông Rhine, sông Po ở châu Âu, sông Colorado ở Mỹ cũng đang bị khô hạn vì ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài.
Các chuyên gia cho biết, những tác động này như một lời cảnh báo về các kịch bản khí hậu nóng lên ở trong tương lai.
Theo báo cáo mới nhất của hội đồng các nhà khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những nguyên nhân chính làm suy yếu các hệ sinh thái nước ngọt trên toàn thế giới.
Nguồn: Reuters, Iflsciecnce, Climatechangenews