Hamas và kho vũ khí "tự chế"
Tên lửa tự chế. AK-47 qua chỉnh sửa. Những khẩu súng máy hàng chục năm tuổi từ thời Xô Viết. Tất cả những loại vũ khí đã qua sử dụng này góp phần lớn trong kho vũ khí tự chế của Hamas giúp tổ chức này thực hiện cuộc tấn công đa hướng vào Israel trong những ngày vừa qua.
CNN đã phân tích hàng loạt ảnh và video của các nhóm dân quân Hamas trong vụ tấn công bất ngờ nhằm xác định các loại vũ khí mà tổ chức này đã sử dụng. Nhiều vũ khí trong số đó là vũ khí của Nga hoặc Trung Quốc đã qua chỉnh sửa, được thu thập từ chiến trường trong nhiều thập kỷ trước.
Một chuyên gia mô tả về cuộc tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng của Hamas, trong đó tổ chức này đã xâm nhập qua đường bộ, đường biển và đường không, và cách cuộc tấn công này thể hiện thay đổi trong chiến lược quân sự chung của Hamas. Nhiều người tin rằng vũ khí của Hamas có thể được viện trợ bởi Iran, sau khi chính phủ Mỹ đã khẳng định nhà nước này đã cung cấp cho Hamas tiền mặt, trang thiết bị quân sự và chương trình huấn luyện.
Tổ chức này hoạt động tại Gaza, một dải đất ven biển Địa Trung Hải có biên giới giáp với Ai Cập và Israel. Gaza đã bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài từ năm 2007 sau khi Hamas chiếm quyền kiểm soát khu lãnh thổ này, khiến Israel và Ai Cập đề ra một hàng rào phong tỏa xung quanh Gaza.
Mặc dù vũ khí của Hamas thua xa tiêu chuẩn của Israel về mức độ tinh vi - do quân đội Israel có thể mua một số loại vũ khí hiện đại nhất mà Mỹ sản xuất - tầm ảnh hưởng của những loại vũ khí này mang lại cho Hamas khả năng tàn phá chưa từng có.
Cựu Thiếu tá Lục quân Mỹ Mike Lyons khi nhắc tới những tên lửa đất-đối-không xuất hiện trong một số video mà CNN đã phân tích đã bình luận: “Đối với tôi, chúng là vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Súng máy
Các hình ảnh được CNN phân tích cho thấy Hamas sử dụng một số súng máy DShK, một loại súng máy cỡ nòng .50 của Liên Xô, được chỉnh sửa và lắp đặt trên các xe bán tải.
Súng này thường yêu cầu hai người sử dụng, trong đó một người giữ băng đạn và một người điều khiển súng. Tuy nhiên, ông Lyons cho rằng các súng máy mà Hamas sử dụng đã được chỉnh sửa để giúp một người duy nhất có thể được vận hành chúng hiệu quả.
“Một người có thể ngồi xuống và bóp cò trên khẩu súng máy này bằng một tay, và làm gì đó khác với tay còn lại. Những vũ khí này có khả năng tàn phá cao”.
Vũ khí này được thiết kế với khả năng bắn xuyên qua các lớp vỏ của phương tiện vận chuyển và máy bay quân sự, thường được sử dụng bởi các quân đội chuyên nghiệp. Chúng thường được gắn trên giá ba chân hoặc trên các xe bọc thép và được sử dụng dưới dạng vũ khí phòng thủ.
John Spencer, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Hiện đại tại West Point cho biết: “Rất hiếm khi có thể thấy loại vũ khí này được gửi tới các khu vực làng không có sự hiện diện quân sự”.
Stephen Biddle, một Giáo sư và chuyên gia về quốc phòng tại Đại học Columbia đã mô tả về tính thông dụng của vũ khí này: “Khi giữ cò, chúng có thể xả hết băng đạn. Chúng có tốc độ xả đạn cao. Hamas không cần phải cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí này”.
Một video trên kênh Telegram của Hamas cho thấy các binh lính tấn công một tiền đồn quân đội Israel, phần lớn trang bị AK-47.
Nhiều chuyên gia đã nhắc tới những thay đổi mà một số tổ chức có thể áp dụng cho các khẩu AK-47 của mình, ví dụ như tháo dỡ một số bộ phận giúp chúng nhẹ hơn và dễ sử dụng hơn.
Lyons cho biết: “Họ thường chỉnh sửa chúng vì họ chỉ quan tâm tới tính hiệu quả thực tiễn của chúng thôi”.
Ông Spencer cho biết những chỉnh sửa tương tự như vậy cho thấy lực lượng sử dụng chúng không chuyên nghiệp nhưng vẫn hiệu quả.
“Nếu như những chỉnh sửa này được tiêu chuẩn hóa thì đó sẽ là dấu hiệu của tính chuyên nghiệp quân sự. Họ có thể thực hiện một số thay đổi nhỏ đối với thiết bị cũ giúp chúng đạt hiệu quả tương tự, thậm chí hiệu quả hơn và dễ sử dụng hơn”.
Theo nhiều chuyên gia, một số khẩu AK-47 có thể là vũ khí của Liên Xô cũ bị bỏ lại sau khi quốc gia này tấn công Afghanistan vào những năm 1980. Những vũ khí khác có thể là vũ khí của Trung Quốc được tuồn vào mạng lưới buôn lậu của tổ chức này. Một số trong đó có thể tới từ Iraq, nơi Saddam Hussein từng mua hàng ngàn khẩu AK-47. Một khối lượng vũ khí cá nhân từ Libya cũng đã từng được đưa lên chợ đen vào những năm 2010.
Theo ông Lyons, đây là tình thế hóc búa cho các quốc gia có quân đội hiện đại phải bỏ lại thiết bị trên chiến trường - chúng có thể sẽ rơi vào tay các tổ chức khác.
Ông Lyons cho biết: “Những đoạn video này trông như thể được quay từ 40 năm trước vậy. Những loại vũ khí này y hệt. Chúng được thiết kế một cách đơn giản, và được thiết kế để có thể hoạt động trong một trường khắc nghiệt nhất trên thế giới”.
Tên lửa
Tuy nhiên, lượng tên lửa khổng lồ đã có lúc áp đảo Vòm Sắt, một hệ thống tối tân được trang bị radar phát hiện tên lửa và bắn hạ chúng.
Một số tên lửa còn rơi vào các nhà dân tại Israel mà không kích nổ. Trong một video ngắn đăng trên Telegram, một người đàn ông đã quay lại cảnh một tên lửa của Hamas xuyên qua trần phòng ngủ. Một nhà nghiên cứu người Anh tại Calibre Obscura, một trang web nhận diện vũ khí cho biết tên lửa này có vẻ là một tên lửa Qassam hoặc tên lửa Saraya al-Quds chưa phát nổ. Nhà nghiên cứu này cũng cho biết các loại tên lửa trên được đặt tên theo các nhóm sử dụng chúng: cánh quân sự của Hamas, hay còn có tên là lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, và lữ đoàn al-Quds của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Hamas sản xuất phần lớn các tên lửa Qassam mà họ sử dụng, do quá khó để có thể vận chuyển các tên lửa lớn qua các hàng rào phong tỏa quanh Dải Gaza. Hiện vẫn chưa rõ cách tổ chức này sản xuất tên lửa. Trong những cuộc xung đột trước đây với Israel, Hamas đã từng phóng nhiều tên lửa làm từ các đường ống dẫn nước cũ.
Một quan chức cấp cao của Hamas tại Lebanon đã mô tả chi tiết hơn về khả năng sản xuất vũ khí của tổ chức này trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tiếng Ả Rập RT Arabic của Russia Today.
“Chúng tôi có những nhà máy tại địa phương để sản xuất mọi thứ, từ tên lửa với tầm bắn 250km tới 160km, 80km và 10km. Chúng tôi có nhà máy sản xuất pháo cối và đạn pháo cối… Chúng tôi có nhà máy sản xuất súng Kalashnikov và đạn cho chúng. Chúng tôi sản xuất đạn dược với sự cho phép của Nga. Và chúng tôi sản xuất chúng ngay tại Gaza”.
Tuy nhiên một số cựu quan chức Mỹ cho biết gần như không có nghi vấn gì về khả năng lượng vũ khí sử dụng trong cuộc tấn công ngày 7/10 được cung cấp và hỗ trợ lắp ráp bởi Iran.
Cựu Đại tướng Frank McKenzie cho biết: “Hamas không hề phát triển hệ thống dẫn đường và các tên lửa trong Gaza. Họ được trợ giúp từ bên ngoài. Và sự trợ giúp về công nghệ trong lắp ráp đó chỉ có thể tới từ Iran chứ không nơi nào khác cả”.
Lựu đạn
Trong một video từ camera hành trình mà CNN thu thập được, một binh lính ném lựu đạn vào hầm trú bom gần địa điểm tổ chức nhạc hội Nova.
Cựu Trung úy David Benson, từng tham chiến tại Iraq và hiện làm việc cho một văn phòng an ninh tư nhân cho biết: “Họ ngay lập tức tìm nơi trú ẩn, đó là điều những người có kinh nghiệm sẽ làm”. Ông cho biết đoạn video đó cho thấy các binh lính đã được qua huấn luyện.
Nhiều lựu đạn xuất hiện trong các ảnh đăng tải trên Reuters vào ngày 8 tháng 10. Các bức ảnh này cho thấy binh lính Israel điều tra các vũ khí đặt trên vỉa hè ngoài một sở cảnh sát tại Sderot. Ba chuyên gia cho biết một số thiết bị có vẻ là lựu đạn.
Hiện vẫn chưa rõ Hamas đã sản xuất hay mua các lựu đạn này, nhưng việc tổ chức này sở hữu chúng cho thấy họ đã thực hiện củng cố kho vũ khí trong nhiều năm.
Ông Benson cho biết: “Lựu đạn rất đắt, ngay cả đối với quân đội Mỹ”.
Máy bay không người lái
Ông Biddle cho biết các máy bay không người lái này đã tấn công các cảm biến theo dõi hàng rào chia cắt Gaza và Israel, và là dấu hiệu cho thấy đây là một cuộc tấn công có kế hoạch. “Mục tiêu đầu tiên của họ không phải là vượt qua hàng rào mà là phá hủy các cảm biến”.
Ông Spencer cho biết những tín hiệu này cho thấy các nhà nước khác không chỉ cung cấp viện trợ mà cả chương trình huấn luyện cách sử dụng thiết bị và lựa chọn đúng loại bom phù hợp cho mục tiêu.
“Những máy bay không người lái là yếu tố bất ngờ nhất. Việc họ có chúng không phải là lạ, nhưng khả năng thực hiện các cuộc tấn công với khả năng phối hợp tinh vi như vậy và thậm chí quay lại video để đăng tải, theo tôi đây là tín hiệu cho thấy rõ có nhà nước khác tài trợ cho các nhóm dân quân Hamas”.
Trong một video khác mà Hamas đăng tải, một máy bay không người lái đặt thiết bị nổ tự chế hẹn giờ lên một súng máy điều khiển từ xa tại tiền đồn của Israel tại Kfar Aza.
Dù lượn
Các dù lượn tận dụng sức gió để di chuyển, cùng với các dù có gắn động cơ, thường được sử dụng bởi những du khách ưa mạo hiểm. Chúng ít khi được sử dụng trong chiến tranh vì một số lý do khá rõ ràng.
“Các dù lượn rất mỏng manh và không có nhiều khả năng cơ động”.
Sean Elliott, phó giám đốc bộ phận Công nghiệp và Pháp lý tại Hiệp hội Phương tiện bay Thử nghiệm đồng tình với ý kiến này.
“Chúng có khả năng hoạt động khá hạn chế. Chúng yêu cầu nhiều điều kiện phù hợp và môi trường thích hợp. Chúng có rất nhiều điểm yếu”.
Nhưng những thiết bị này đã từng được sử dụng. Vào cuối năm 1987, một binh lính Palestine sử dụng tàu lượn - tương tự như dù lượn nhưng có khung cứng - đã bay vào không phận Israel. Người lính này trang bị lựu đạn, súng ngắn và súng trường, đã hạ gục sáu binh lính Israel và làm bị thương bảy binh lính khác trước khi bị hạ gục.
Gần đây hơn, vào năm 2012, một cá nhân bị tình nghi là phần tử khủng bố al Qaeda tại Tây Ban Nha đã bị phát hiện sở hữu ba dù lượn và đang được huấn luyện sử dụng chúng.
Ông Spencer cho rằng Hamas không hề tự mua các dù lượn này và nghi ngờ tổ chức này được cung cấp và huấn luyện sử dụng chúng bởi một nhà tài trợ ngoài Gaza.
Hình ảnh từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 cho thấy một xe ủi được sử dụng để phá hủy hàng rào chia cắt Gaza và Israel.
Trong một số video, các binh lính Hamas đã lái một số xe của IDF và sử dụng vũ khí của Israel có khả năng bị chiếm đoạt trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công.
Một số báo cáo cũng cho biết binh lính Hamas đã mặc đồng phục của Israel để gây rối loạn trong lực lượng Israel - một chiến thuật mà tổ chức này từng tận dụng trước đây.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)