Ham học
Có nhiều huyền thoại được sản sinh dường như chỉ để chứng minh, củng cố cho niềm tự hào, niềm tin về cái sự ham học, thậm chí khổ học của người Việt Nam.
"Chăm chỉ lao động, say mê và cần cù học tập”. Mấy cái phán đoán mang sắc thái khẳng định kiểu như vậy về một số phẩm chất tính cách của người Việt Nam chúng ta dường như đã ăn sâu bám rễ trong đầu óc số đông.
Chúng ta tin vào điều đó, rằng ít nhất - ở đây tạm không nói chuyện lao động, chỉ nói việc học tập thôi – thì sự “say mê và cần cù học tập”, tinh thần ham học, đã trở thành một thứ “gen văn hóa” mang tính trội của người Việt. Và đương nhiên, đó là điều rất đáng tự hào.
Có nhiều huyền thoại được sản sinh dường như chỉ để chứng minh, củng cố cho niềm tự hào, niềm tin về cái sự ham học, thậm chí khổ học của người Việt Nam. Nó thường đi theo công thức: nhà nghèo, ăn chưa no, không đủ tiền đóng học phí, nhưng vẫn quyết chí theo đuổi con đường sách vở chữ nghĩa; hàng ngày phải đi bao nhiêu dặm đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà; bắt đom đóm lấy ánh sáng để học ban đêm; buộc tóc lên xà nhà để lỡ có ngủ gật thì giật mình tỉnh dậy học tiếp v.v...
Cũng có khá nhiều cách thức người ta nghĩ ra để tôn vinh những người do ham học mà đạt được những thành tựu lớn về sự học: lễ vinh quy bái tổ với kiệu có người rước, chiếu hoa trải đường làng cho các ông nghè xưa; bia tiến sỹ ghi danh người đỗ đại khoa hiện đang được đặt trong Văn Miếu Quốc tử giám; rồi kẻ đỗ đạt được đặt tên phố, tên đường, tên trường.
Ấy thế nhưng, nếu cắc cớ đặt câu hỏi: “có thật là người Việt Nam ham học không?”, thì rất có thể ta sẽ phải dừng lại để mà ngẫm nghĩ, tìm hiểu nguồn cơn. Ví như ngày trước, cái thời của sự học hành và thi cử bằng chữ Hán, thì học và đi thi là con đường duy nhất giúp cho một con cái thường dân (tầng lớp bị trị) được thay đổi thân phận, trở thành quan (tầng lớp cai trị). Đỗ cử nhân thôi cũng đã có thể được bổ làm tri huyện rồi. Đỗ đại khoa (như phó bảng, đồng tiến sỹ xuất thân, hoàng giáp, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên) thì quan tước còn cao hơn nữa. “ Một người làm quan cả họ được nhờ ”.
Có lẽ chính vì thế mà người ta học trối chết, học ngày học đêm, đi thi hết lần này đến lần khác, không hề sờn chí. Nhưng thi đỗ rồi thì thôi, về cơ bản là không học nữa, cùng lắm thì quay ra làm thơ. (Trong khi chúng ta đều biết rằng, học , tự học, có bản chất là công việc suốt đời).
Nghĩa là, cái học ở đây là cái học có tính mục đích rất rõ ràng. Một cái học thực dụng, có thể nói như vậy. Nói chung, một người học thực dụng là người rất biết mình học, đọc để làm gì.
Thời bây giờ, ở mức “lương thiện” (nghĩa là không có sự khuất tất) thì người ta học thực dụng để hoàn thành một luận văn, một đề tài, để có bằng tiến sỹ, để được phong học hàm Phó giáo sư hoặc Giáo sư. Và kèm với những thành quả học hành đó đương nhiên sẽ là những chức danh quản lý tương xứng, nghĩa là làm cán bộ, làm lãnh đạo.
Làm lãnh đạo rồi thì hầu như sẽ không học nữa, bất quá là quay ra làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh. Suy cho cùng thì cái sự ham bằng cấp của con người hiện nay, về bản chất và sự biểu hiện, cũng chẳng khác nhà Nho ngày trước là bao.
Nó khác với sự học mà tôi tạm gọi là “học vì lòng hiếu tri vô tư”. Hiếu tri vô tư là gì? Là ham tìm biết, một cách vô tư. Chỉ là sự ham tìm biết về một hoặc một vài lĩnh vực học thuật nào đó mà người ta học, đọc đêm ngày, gần như không ngưng nghỉ. Cái đích không phải là vượt qua các kỳ thi, không phải là các học vị học hàm sang giá, mà là nhu cầu không ngừng và khôn thỏa về tri thức. Mà, như một quy luật của nhận thức: cái biết đến đâu thì cái chưa/ không biết lại rộng ra đến đấy.
Bởi thế, người học vì lòng hiếu tri vô tư cũng chính là hình ảnh của kẻ độc hành đầy tuyệt vọng trên sa mạc mênh mông của tri thức. Nhưng họ mới đúng là học giả, là những khối kiến thức đồ sộ, quảng bác, uyên thâm được tích lũy từ cả một đời dấn thân vào bể học.
Tôi không nói rằng sự ham học theo đường lối thực dụng là không nên. Phải thấy là nó cần, rất cần, khi để giải quyết những vấn đề cụ thể. Nhưng nếu chỉ có thế, chỉ là thế - mà bây giờ chủ yếu là như thế - thì quyết không thể nói ham học như một nét trội trong phẩm tính của người Việt.
Ham học thật sự, phải là mấy cái ông học, đọc liên tục, như ngốn, mà lòng không gợn mảy may kia. Tiếc thay, họ đang càng ngày càng thưa thớt.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.