Hai vị tướng cầm quân tàn tật nổi tiếng lịch sử vì khả năng nhẫn chịu
Nói tới khả năng nhẫn chịu đối với đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần thì phải kể tới hai vị tướng cầm quân tàn tật hết sức nổi tiếng...
Xưa nay, người làm tướng tài ngoài uy dũng cường mạnh ra, tất phải có khả năng thực hành chữ “Nhẫn”. Bởi vậy mới có câu rằng: Đạo làm tướng, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai nhảy múa ngay bên cạnh mà mắt vẫn không liếc. Cái “Nhẫn” của một vị tướng quân không chỉ nằm ở khả năng chịu đựng, mà còn hàm chứa cảnh giới cao xa. Những vị tướng nổi tiếng trong lịch sử về “Nhẫn” có thể kể tới như Câu Tiễn, Hàn Tín, Tư Mã Ý, Trần Quốc Tuấn, v.v.. Tuy nhiên nói tới khả năng nhẫn chịu đối với đau khổ về cả thể xác lẫn tinh thần thì phải kể tới hai vị tướng cầm quân tàn tật hết sức nổi tiếng. Ở phương Tây là vua hủi Baldwin IV của Jerusalem, còn ở phương Đông là Tôn Tẫn.
Bị hủi, điếc và liệt vẫn làm quân địch kinh sợ
Vua Baldwin IV của Jerusalem được mệnh danh là “Vua hủi” . Theo ghi nhận từ lịch sử thì ông bị hủi, căn bệnh tiến triển dẫn đến việc bị mù, lại liệt cả tay chân, nhưng khi ông xuất hiện trên chiến trường thì vẫn khiến kẻ thù phải kinh sợ.
Trận đánh nổi tiếng nhất của vua Baldwin IV là trận Montgisard huyền thoại. Trong trận đánh này, Baldwin IV phải đối mặt với Saladin, người sáng lập ra triều đại Ayyub, Vua người Hồi giáo ở Ai Cập và Syria, được mệnh danh là “kẻ chinh phục vĩ đại” vì những cuộc viễn chinh ở châu Âu. Trong khi đó, Baldwin IV, 16 tuổi, dù thông minh và có tài năng quân sự, nhưng lại bị bệnh hủi tàn phá cơ thể.
Bấy giờ Saladin dẫn 26.000 chiến binh tinh nhuệ cùng đội hộ vệ Ai Cập Khassaki tiến đến Jerusalem, với ưu thế vượt trội về lực lượng. Trên đường đi Saladin cho quân chiếm Ramla, Lydda, Arsuf và thỏa sức cướp bóc. Trong khi đó liên minh của Jerusalem và Byzantine vừa tan rã, quân đội tản đi, chỉ để lại một bộ phận nhỏ giữ kinh thành.
Vua Baldwin, dù phải chống chọi với bệnh tật, vẫn tập trung 600 hiệp sĩ dòng đền cùng vài nghìn lính địa phương để chống lại. Tuy nhiên thời gian này căn bệnh quái ác tàn phá thân thể nhà Vua. Bernard Hamilton, tác giả cuốn “Baldwin IV – vị vua hủi và những người thừa kế” mô tả rằng nhà vua lúc đó đã “chết một nửa” rồi.
Mặc dù đau đớn với căn bệnh quái ác, vua Baldwin vẫn đủ tỉnh táo để điều động quân Jerusalem chặn Saladin tại Mons Gisardi, gần Ramla. Điều này khiến Saladin kinh ngạc, vội vàng cho quân dàn trận.
Đây là kế sách của Baldwin. Để chống lại kẻ địch đông hơn rất nhiều lần, Baldwin chọn đón đánh Saladin trước khi ông ta đến được Jerusalem, khiến tâm lý kẻ địch bất ngờ, đồng thời lại chọn đúng thời cơ lúc quân Saladin hành quân xa, mệt mỏi sau khi thỏa sức cướp bóc, lại chưa xếp thành thế trận.
Vua Balwin cưỡi ngựa ra trận với hai bàn tay băng bó do sức tàn phá của căn bệnh quái ác. Lịch sử ghi chép rằng nhà Vua “điếc hoàn toàn và liệt tay thuận, phải cầm kiếm bằng tay trái”.
Ngày 25/11/1177, trong lúc Saladin đang mải dàn quân thành thế trận, thì vua Balwin cho dựng một cây thánh giá khổng lồ, quỳ xuống cầu xin Chúa ban cho chiến thắng. Rồi vua Baldwin IV phi ngựa trên mặt cát, tay phải quấn băng kín, không thể cầm nắm, tay trái vung kiếm cùng những hiệp sĩ của mình xông thẳng vào giữa trung quân của Saladin đang cố gắng nhanh chóng xếp thành đội hình.
Nhà sử học Stephen Howarth chép rằng:
“26.000 chiến binh Saracen ở đó, đối đầu với vài trăm kỵ binh Thiên Chúa nhưng những người Saracen hầu hết đều bị giết, số khác lại bỏ chạy. Saladin thoát được nhờ cưỡi con lạc đà đua nhanh nhất. Đội quân tinh nhuệ của ông bị đánh tan tành. Đội hộ vệ Khassaki lừng danh bị giết gần hết. Cháu trai của Saladin cũng bị chém chết tại trận”.
Vua Baldwin cho quân truy kích quân của Saladin. Quân Saladin bỏ chạy về đến tập Ai Cập với quân số chỉ còn lại khoảng 2.000 người.
Trận đánh này được mô tả trong lịch sử là chiến thắng kỳ lạ nhất, trận đánh vinh danh vị Vua mới 16 tuổi cùng căn bệnh tàn phá thân thể vẫn xông pha đánh bại đội quân hùng mạnh đông hơn hơn rất nhiều.
Bị chặt chân, thích chữ vẫn có thể giả điên chạy thoát
Người phương Đông có lẽ không xa lạ gì với cái tên Tôn Tẫn. Tôn Tẫn cùng học binh pháp với Bàng Quyên. Sau khi xuất sư, Bàng Quyên đi trước một bước, đến nước Ngụy và nhanh chóng trở thành đại tướng quân. Sau đó, Bàng Quyên viết thư mời Tôn Tẫn đến nước Ngụy, giả ý thân thiết.
Nhưng kỳ thực Bàng Quyên có tâm đố kỵ với tài năng của Tôn Tẫn, muốn dựa vào cách này để diệt trừ Tôn Tẫn. Sau khi tới nước Ngụy, đầu tiên Tôn Tẫn bị vu cáo thông đồng với nước Tề, sau đó bị chặt xương hai đầu gối và bị thích chữ lên mặt.
Không chỉ khiến cho Tôn Tẫn đau khổ về mặt thể xác, nhất cử nhất động của Tôn Tẫn đều bị Bàng Quyên theo dõi sát sao. Thời điểm đó, có thể nói là Tôn Tẫn đã lâm vào tuyệt cảnh, đường cùng không có lối thoát, thậm chí phải giả ngây giả dại để giữ mạng.
Chờ đợi mãi, cơ hội rốt cuộc cũng đến. Một lần sứ giả nước Tề đến thăm nước Ngụy, Tôn Tẫn có được cuộc gặp gỡ bí mật. Dưới sự trợ giúp của sứ giả nước Tề, Tôn Tẫn đã thoát khỏi Bàng Quyên và đến nước Tề.
Trong nghịch cảnh, Tôn Tẫn một lòng kiên trì, nhẫn nại, không có suy nghĩ buông tha, từ bỏ bản thân. Người bình thường không chịu đựng được nỗi thống khổ ấy, có lẽ cả tâm lý và tinh thần đã nhanh chóng rơi vào vực thẳm rồi. Vậy mà Tôn Tẫn không chỉ có thể tìm được tia sáng trong đêm tối, mà sau này khi cầm quân còn có thể dựa vào tài năng của bản thân mà nhiều lần tạo nên kỳ tích, đặc biệt là lần tiêu diệt quân Ngụy cùng Bàng Quyên trong trận Mã Lăng.
Nhẫn là một trong những đức tính quý giá của con người. Tuy nhiên, để “nhẫn” được trong các hoàn cảnh mâu thuẫn căng thẳng, sinh tử tồn vong là rất khó khăn, cần phải có nội tâm cường đại. Vì thế những người có khả năng nhẫn chịu được điều người khác không thể nhịn được, dung được những điều người khác không thể dung được, thường là những người làm nên việc lớn.
Chữ “Nhẫn” (忍) gồm có chữ “tâm” (心) ở dưới và chữ “đao” (刀) ở trên. Chữ “đao” có hàm ý phải tôi luyện, mài dũa mà thành. Chữ “đao” (刀) này còn có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của đao kề vào trái tim ở dưới.
Một con dao sắc bén kề vào tim đối với người bình thường hẳn phải rất đáng sợ. Thế nhưng chữ tâm nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn” . Tâm này vẫn bất động, dù dao kia có sắc đến đâu. Đó chính là Đại Nhẫn, cũng chính là khí phách lớn lao của con người trước nghịch cảnh.
Hy Vọng biên tập
Vài sử liệu về chuyện người có tâm Đại Nhẫn thành tựu việc to lớn
Mời xem video :