Hai vị bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng (P1)

Chia sẻ Facebook
07/04/2023 07:52:31

Khoa thi 1851 trở thành khoa thi kỳ lạ, khi có “ân khoa”, mà hai người đỗ Bảng nhãn lại cùng tên Thanh, là hai bảng nhãn cuối cùng trong...


Trong lịch sử khoa bảng của Việt Nam có rất nhiều truyện lạ, như khoa thi năm 1508 có đến 2 Trạng nguyên là Trạng Me và Trạng Ngọt, khoa thi năm 1499 còn phải cho tung quyển thi để chọn Trạng nguyên, khoa thi năm 1851 cũng xuất hiện việc kỳ lạ khi có 2 Bảng nhãn cùng tên Thanh, cũng là hai Bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng.

Cảnh trường thi năm 1900. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Phạm Thanh

Phạm Thanh sinh năm 1821 ở thôn Nội, xã Trương Xá, tổng Đăng Trường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, nay là xã Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong gia đình có truyền thống khoa bảng.

Cha của ông là Phạm Phổ làm Bố chánh tỉnh Tuyên Quang. Thời đấy loạn quân khởi nghĩa chống nhà Nguyễn rất mạnh, Phạm Phổ ở thế yếu không chống nổi quân khởi nghĩa, không muốn bị sa vào tay phiến quân, đã chọn cách tự vẫn, tuy nhiên lại bị Triều đình khép tội.

Người mẹ tần tảo nuôi nấng Phạm Thanh nên người. Phạm Thanh từ nhỏ đã có tiếng là thông minh, hàng ngày chăm chỉ đèn sách, và không quên giúp đỡ mẹ làm lụng kiếm tiền. Nhờ thông minh và hiếu thảo mà Phạm Thanh được Nhữ Bá Sỹ là bậc danh sư nổi tiếng lúc bấy giờ nhận đỡ đầu và dạy dỗ.

Nhữ Bá Sỹ vốn làm quan cho Triều đình, nhưng bị vu oan, phải chịu hình phạt đi phục dịch để lấy công chuộc tội, sau đó được cử làm Đốc học tỉnh Sơn Tây. Nhữ Bá Sỹ ngán ngẩm con đường làm quan nên xin từ quan mở trường dạy học. Sau đấy Triều đình xét ông là người tài đức nên muốn trọng dụng lại, 3 lần mời ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối.

Được học với danh sư nổi tiếng, Phạm Thanh chịu khó dùi mài kinh sử, được Nhữ Bá Sỹ yêu mến và gả con gái cho.


Dù thế con đường khoa bảng của Phạm thanh ban đầu không suôn sẻ, theo sách “Địa chí Hậu Lộc” thì “Năm 21 tuổi (1842) Phạm Thanh đỗ Tú tài, năm 1846 đỗ Cử nhân lần thứ nhất” . Dù thi đỗ và đã có yết bảng kết quả, tuy nhiên lại có lệnh phúc khảo và bãi bỏ kết quả mà không rõ lý do. Theo dòng họ thì lý do là vì cha ông không chống được loạn quân phải tự tử nên Triều đình nghi kỵ.

Việc này khiến Phạm Thanh chán nản, bỏ bệ không tha thiết việc học nữa. Nhưng mẹ ông đã động viên, yêu cầu ông tiếp tục bền chí không nên ngã lòng, nhờ đó mà Phạm Thanh tiếp tục chuyên cần đèn sách.

Khoa thi kế tiếp vào năm 1848, Phạm Thanh thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên, danh tiếng vang khắp xứ Thanh. Năm 1851, Phạm Thanh vượt qua tứ trường kỳ thi Hội và bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Cùng bước vào kỳ thi Đình này còn có sĩ tử khác cũng cùng tên Thanh, là Vũ Duy Thanh, người làng Kim Bồng (tên Nôm gọi là làng Bồng), huyện Yên Khang, phủ Trường Yên (nay là thôn Vân Bòng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

Cảnh xướng danh các thí sinh đỗ đạt. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Vũ Duy Thanh

Vũ Duy Thanh xuất thân trong gia đình nhà nông nhưng khá giả, có truyền thống nhiều người đỗ đạt. Từ nhỏ Duy Thanh đã có tiếng là thông minh, học một lần là nhớ, lại có tài đối đáp.

Đến nay người dân xã Khánh Hải còn lưu truyền những câu truyện về Vũ Duy Thanh. Năm nọ nước sông Đáy lên cao, Tri phủ đến đốc dân hộ đê, Duy Thanh đi ngang qua đấy, lính bắt phải vào khiêng đất, nhưng ông nói là thư sinh nên xin được miễn.


Quan Tri phủ nói nếu là học trò giỏi phải đối được mới cho miễn, rồi liền ra câu đối “Quan thị đắp đê Kim Bồng, chắn hồng thủy cho dân được cậy” (Kim Bồng là tên làng quê của Vũ Duy Thanh).


Vế đối của quan Tri phủ rất khó đối vì các từ “thị”, “hồng”, “bồng”, “cậy” cũng là tên của 4 loại quả. Duy Thanh liền đối lại rằng: “Nhà nho đỗ khoa bảng nhãn, quyết tranh khôi thì chí mới cam” , cấu đối lại cũng có tên 4 loại quả là “nho”, “nhãn”, “chanh”, “cam”.


Lần khác quan phủ đi chợ Chàng lại gặp ngay Duy Thanh, nhớ truyện cũ quan lại ra câu đối: “Đi một thôi, đến chợ Chàng, vắt chân ngóe, ăn thịt ếch, có trả tiền, thế mới ương” , câu đối này rất khó vì có tên 4 con vật l à “chẫu chàng”, “ngóe”, “ếch”, “ễnh ương”, lại vừa có ý giễu cợt là đồ “ễnh ương”.


Duy Thanh liền đối rằng: “Học Nam Kinh, thi trường phượng, đỗ bảng rồng, làm quận công, cuốc lấy bạc, nhanh như cắt” . Câu đối lại cũng có các con vậ t “phượng”, “rồng”, “công”, “cuốc”, “cắt” lại cũng có ý giễu cợt rằng lấy bạc nhanh như cắt.

Năm 1843 Vũ Duy Thanh dự thi, vượt quay tứ trường kỳ thi Hương. Đến khoa thi năm 1851 thì vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình.

Khoa thi kỳ lạ, Bảng nhãn cùng tên

Tại kỳ thi Đình năm 1851, Phạm Thanh xuất sắc vượt qua tất cả các sĩ tử khác và đỗ đầu, do khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên Phạm Thanh đỗ đầu tức Bảng nhãn.


Tưởng như khoa thi đã xong, nhưng đêm ấy vua Tự Đức nằm mộng thấy Thần đến báo vẫn còn sót một người tên Thanh. Vua liền cho thi thêm một lần nữa gọi là “ân khoa” và lần này Vũ Duy Thanh đỗ đầu tức Bảng nhãn.


Khoa thi năm 1851 trở thành khoa thi kỳ lạ trong lịch sử khoa bảng, khi có “ân khoa” , mà hai người đỗ Bảng nhãn lại cùng có tên là Thanh. Đây cũng là hai vị Bảng nhãn cuối cùng trong lịch sử khoa bảng, vì sau này không lấy đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn nữa.


(Còn nữa)


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook