Hải Phòng: Xem xét giảm 50% phí hạ tầng cảng biển cho hàng thủy nội địa

Chia sẻ Facebook
27/10/2022 08:46:56

Việc giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa sẽ được HĐND TP Hải Phòng xem xét tại Kỳ họp thứ 9, khóa XVI.

Theo đề xuất của HĐND TP Hải Phòng, sẽ giảm 50% mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng ( phí hạ tầng cảng biển ) đối với hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu khi vào cảng và rời cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thuỷ nội địa trên các tuyến đường thuỷ.

Việc giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu khi vào cảng, rời cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thuỷ nội địa trên các tuyến đường thuỷ sẽ được HĐND TP Hải Phòng xem xét tại Kỳ họp thứ 9, khoá XVI và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phí hạ tầng cảng biển làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, nảy sinh tình trạng phí chồng phí, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải đường thủy.


Trước đó, 5 Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa , gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) cũng có văn bản kiến nghị tới HĐND TP Hải Phòng về việc xem xét không thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa.

Được biết, trước kiến nghị của các Hiệp hội, ngày 27/6, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Hải Phòng thực hiện thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng trong giai đoạn từ 2017 – 2021, khoản thu phí hạ tầng cảng biển đối với phương thức vận tải thuỷ nội địa chỉ đạt từ 59,8 tỷ đồng đến 66 tỷ đồng/năm. Số thu này quá nhỏ so với tổng nguồn thu phí chung, trung bình khoảng 1.500 tỷ đồng/năm của Hải Phòng. Trong khi khoản phí này lại rất có ý nghĩa đối với ngành vận tải thuỷ nội địa, ngành góp phần hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu vận tải, giảm tải cho vận tải đường bộ đi và đến Hải Phòng, giảm khí thải ô nhiễm môi trường và giảm tai nạn giao thông đường bộ đang ở mức báo động.

Mặt khác, phương tiện vận tải thuỷ nội địa chỉ sử dụng các tuyến đường thuỷ tự nhiên, tuyến hàng hải kết nối đến cảng do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, duy tu, bảo dưỡng; sử dụng chủ yếu hệ thống cầu, bến trong cảng do doanh nghiệp cảng biển đầu tư, không sử dụng hoặc sử dụng không đáng kể kết cấu hạ tầng của địa phương quản lý như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ… kết nối với các cảng biển.

Đồng thời, phương tiện vận tải thuỷ nội địa khi làm hàng tại các cảng biển đã phải nộp các loại phí, lệ phí hàng hải cho Cảng vụ hàng hải; phí dịch vụ cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển. Bởi vậy, việc thu phí kết cấu hạ tầng cảng biển đối với phương tiện vận tải thuỷ nội địa chưa thực sự thoả đáng và hợp lý về đối tượng nộp phí như quy định của Hải Phòng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ rõ, TP Hồ Chí Minh, địa phương thứ 2 của cả nước sau 4 tháng thực hiện thu phí hạ tầng khu vực cảng biển cũng đã điều chỉnh (giảm mức thu) cho hàng hoá xuất, nhập khẩu đi, đến cảng biển TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện thuỷ nội địa.

Trước kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Tài chính cũng có văn bản số 8058/BTC-CST ngày 15/8/2022 đề nghị UBND TP Hải Phòng nghiên cứu các kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp, ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kinh nghiệm xử lý của TP. Hồ Chí Minh và có phương án xử lý kiến nghị phù hợp.

Chia sẻ Facebook