Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ý gặp nhau để thảo luận hợp tác về vấn đề Nga và TQ
Ngày 27/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chào đón Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đến thăm Nhà Trắng. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo bảo thủ của Ý nhậm chức vào mùa thu năm ngoái.
Embed from Getty Images
Trong cuộc gặp song phương, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chúng ta đã trở thành bạn bè,” đồng thời ca ngợi Thủ tướng Meloni vì sự ủng hộ và bảo vệ mạnh mẽ của bà dành cho Ukraine trước “sự tàn bạo của Nga”.
Tổng thống Mỹ sau đó cũng cảm ơn người dân Ý vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.
Tổng thống Biden lưu ý: “Tôi muốn cảm ơn họ [người dân Ý] vì đã ủng hộ bà trong việc hỗ trợ cho Ukraine. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn. Là đồng minh NATO, Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương là nền tảng cho an ninh chung của chúng ta. Và quân đội Ý đang đóng một vai trò quan trọng ở châu Âu, Địa Trung Hải, và hơn thế nữa.”
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông cánh tả đã đặt nghi vấn về quyết định mời Thủ tướng Meloni thăm Hoa Kỳ của Nhà Trắng bởi vì Tổng thống Biden đã từng công khai chỉ trích quan điểm “cực hữu” của bà và cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc đoán trên thế giới sau khi bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Năm ngoái khi nói về kết quả của cuộc bầu cử ở Ý, Tổng thống Biden đã chỉ trích: “Mọi người vừa thấy những gì đã xảy ra ở Ý trong cuộc bầu cử đó. Mọi người đang nhìn thấy những gì đang xảy ra trên khắp thế giới. Và lý do tôi cảm thấy lo lắng khi nói điều đó là chúng ta cũng không thể lạc quan về những gì đang xảy ra ở đây [Hoa Kỳ].”
Trong cuộc họp báo hôm 26/7, các phóng viên đã gây sức ép với Nhà Trắng về việc liệu quan điểm của Tổng thống Biden đối với bà Meloni có thay đổi hay không.
Phát ngôn viên John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đáp lại: “Ông ấy [Tổng thống Biden] có mối quan hệ tốt với Thủ tướng Meloni, và ông ấy thích làm việc với bà ấy. Họ khá hợp nhau, đặc biệt là về các vấn đề chính sách đối ngoại. Và một lần nữa, Tổng thống rất mong chờ chuyến thăm này.”
Tổng thống Mỹ lưu ý rằng Ý sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 vào năm tới.
Tổng thống Biden nói đùa trong cuộc gặp: “Tôi hy vọng bà, với tư cách chủ tịch [hội nghị thượng đỉnh G7], sẽ đối xử tốt với tôi.”
Thủ tướng Meloni cảm ơn Tổng thống Biden vì “lòng hiếu khách” của ông.
Bà lưu ý, các quốc gia phương Tây đã chứng minh rằng họ có thể dựa vào nhau nhiều hơn nhiều so với nhiều người nghĩ.
Theo Nhà Trắng, cả hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau để tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt, đồng thời thảo luận về những thách thức chung như vấn đề Trung Quốc, cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các diễn biến đang xảy ra ở Bắc Phi, và vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu với các phóng viên hôm 26/7, phát ngôn viên Kirby tiết lộ: “Tổng thống đã rất mong đợi chuyến thăm này. Hoa Kỳ và Ý là các đồng minh thân cận trong NATO và là các đối tác G7. Chúng tôi là đối tác thương mại quan trọng. Và có sự ràng buộc rất mạnh mẽ giữa hai dân tộc chúng ta.”
Ông tiếp tục ca ngợi sự hỗ trợ quân sự, kinh tế, và nhân đạo của Ý dành cho Ukraine.
Kể từ khi Thủ tướng Meloni nhậm chức vào năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần, bao gồm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali của Indonesia, Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima của Nhật Bản, và Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius của Litva.
Giới truyền thông cánh tả mô tả Thủ tướng Meloni là “người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầu tiên” lãnh đạo nước Ý kể từ thời Thủ tướng Benito Mussolini. Bà đã bị chỉ trích vì các chính sách đối nội của mình, bao gồm các quan điểm cứng rắn đối với vấn đề di cư, quyền của giới LGBT, và phong trào “ý thức hệ thức tỉnh”, và được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Một bài báo gần gần đây của tờ New York Times đã gọi Thủ tướng Meloni là “phiên bản Ý” của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Hoa Kỳ vào năm ngoái.
Ý rút khỏi Dự án Vành đai và Con đường
Hồi tháng 3/2019, Ý đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường, qua đó trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của châu Âu tham gia vào dự án cơ sở hạ tầng gây tranh cãi này của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thủ tướng Meloni là người ủng hộ mạnh mẽ các giá trị dân chủ và là người thường chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Gần đây bà đã ám chỉ rằng Ý có thể sớm rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Không rõ liệu Washington có bất kỳ ảnh hưởng nào đến quyết định này hay không. Phát ngôn viên Kirby đã từ chối bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Meloni, nhấn mạnh rằng đây là “quyết định thuộc chủ quyền của họ [Ý]”.
Ông tiếp tục: “Nhưng ngày càng trở nên rõ ràng, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đang nhìn thấy những rủi ro, và nói một cách khá thẳng thắn, việc thiếu lợi ích khi quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc.”
BRI, sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la của ĐCSTQ, từ lâu đã bị chỉ trích vì tạo ra gánh nặng nợ nần cho các quốc gia tham gia dự án, phớt lờ những tác động đến môi trường địa phương, cũng như xuất khẩu lao động Trung Quốc, thay việc tạo ra việc làm cho lao động địa phương. Các chuyên gia quốc tế thường chỉ trích BRI là “ngoại giao bẫy nợ” bởi vì ĐCSTQ tước đoạt các tài sản chiến lược khi các quốc gia tham gia sáng kiến này không thanh toán được nợ, qua đó mở rộng phạm vi chiến lược và quân sự của Trung Quốc.
Năm ngoái, các quốc gia G7 đã đề xuất một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng mới dành cho các nước đang phát triển để cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Theo ông Kirby, chương trình này, được gọi là Quan hệ đối tác Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (PGII), là một giải pháp thay thế tốt cho BRI.
Ông nói rõ thêm: “Đó là một giải pháp thay thế tốt, và nó [PGII] đang thu hút sự chú ý. Và vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đó và tiếp tục khuyến khích các đối tác của chúng tôi cũng làm như vậy.”
Cho đến nay, Ý là quốc gia G7 duy nhất tham gia vào chương trình cơ sở hạ tầng này của Trung Quốc. Các nhà chỉ trích cho rằng thỏa thuận này sẽ cho phép Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát các công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Theo ông Derek Scissors, giảng viên chính của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là chuyên gia về Trung Quốc, quyết định rút khỏi BRI của Ý không thực sự quan trọng.
Phát biểu với tờ The Epoch Times, ông Scissors giải thích: “Ý có thể chấp nhận hoặc từ chối bất kỳ dự án nào của Trung Quốc mà họ muốn, cho dù dự án đó có nằm trong BRI hay không.”
Tuy nhiên, ông lưu ý, quyết định của Ý chứng tỏ rằng quốc gia châu Âu này đã thay đổi quan điểm của họ về Trung Quốc do các biện pháp zero-COVID hà khắc của Bắc Kinh và sự lãnh đạo độc tài của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Scissors kết luận: “Điều đó có nghĩa là Ý đã trở nên hoài nghi hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Sự thay đổi đó mới là quan trọng.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Ý sẽ rút khỏi “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vì Đài Loan? Ý là thành viên duy nhất của Nhóm 7 nước (G7) tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ...