Hải Dương: Trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa gia tăng
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Hải Dương, thời điểm hiện tại, số trẻ đến khám, nhập viện do các bệnh đường tiêu hóa đang gia tăng do thời tiết chuyển mùa.
Tại Khoa Tiêu hóa, những ngày gần đây, mỗi ngày, khoa điều trị cho từ 35 - 40 trẻ, hiện tại khoa đang điều trị cho 47 trẻ bị tiêu chảy, trong đó, số bệnh nhi bị virus rota chiếm tới 70%. Trẻ mắc chủ yếu là trẻ em dưới 2 tuổi, nhập viện trong tình trạng nôn, đi ngoài mất nước, sốt cao...
Cùng thời điểm này, thông tin cảnh báo về bệnh viêm gan cấp tính do virus bí ẩn tại một số nước trên thế giới ngày càng nhiều, khiến không ít phụ huynh lo lắng. Bởi nôn và tiêu chảy cũng là những triệu chứng ban đầu khi trẻ bị viêm gan. Tuy nhiên, theo ghi nhận ban đầu, hiện các bác sĩ kết luận tình trạng mà đa số bệnh nhi đang gặp phải chủ yếu là do nhiễm khuẩn đường tiêu hoá .
Theo các bác sĩ, sở dĩ nhóm bệnh tiêu chảy gia tăng đột biến trong thời gian gần đây là bởi việc tiếp xúc với nguồn bệnh ở trẻ tăng lên khi thức ăn hay nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn… Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa cũng làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn, cũng dễ khiến cho nguồn bệnh lây lan.
Tiêu chảy cấp do virus rota là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ có thể mắc bệnh rất sớm, từ 6 - 24 tháng tuổi, thậm chí từ 3 tháng tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt và nôn ói, sau đó là tiêu chảy với đặc điểm phân lỏng, rất nhiều nước, có thể lẫn đờm, nhớt nhưng không có máu. Số lần đi tiêu sẽ tăng mạnh trong vài ngày sau đó giảm dần, trẻ có thể tự khỏi sau 4 - 8 ngày.
Trong giai đoạn bệnh, trẻ có thể chán ăn và bị mất nước do một lượng lớn nước đào thải ra ngoài khi nôn ói, đi tiêu. Virus rota lây nhiễm rất mạnh, trẻ có thể nhiễm ở giai đoạn rất nhỏ và bệnh có thể để lại hậu quả nặng nề. Chính vì thế, điều quan trọng của các bậc cha mẹ là cần phải bảo vệ cho trẻ càng sớm càng tốt trước khi trẻ có nguy cơ bị virus rota tấn công.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng Khoa Tiêu hóa khuyến cáo: Phụ huynh cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ, đây là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh. Tã lót của trẻ bị bệnh phải được cho vào bao nylon, cột kín rồi cho vào thùng rác.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có con dưới 6 tháng tuổi nên gặp ngay bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế để được tư vấn về biện pháp ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của virus rota. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh (tuổi lớn nhất còn có thể uống được vaccine phòng virus rota là 3 tháng tuổi, tuổi kết thúc uống là 4 tháng tuổi)