Hải Dương tăng cường hoạt động phòng, chống cúm gia cầm
Sở Y tế tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trong ngành về việc tăng cường hoạt động phòng, chống cúm gia cầm.
Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, tác nhân, đường lây, các dấu hiệu xuất hiện… khi mắc bệnh cúm A(H5) để người dân được biết, chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân, chủng virus gây bệnh. Thường xuyên cập nhật, phân tích tình tình dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus cúm A(H5) gây ra. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương theo dõi sát tình hình dịch trên đàn gia cầm.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo và hướng dẫn người chăm sóc, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh. Thực hiện tốt việc thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong việc điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, khu cách ly điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh do virus cúm A(H5) gây ra.
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tại các khu vực có gia cầm chết và những vùng có nguy cơ cao. Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh do virus cúm A(H5) trong cộng đồng, tại cơ sở điều trị, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Cúm A(H5) hay còn gọi cúm gia cầm là loại bệnh dịch nguy hiểm, lan truyền rất nhanh, có thể gây dịch ở người rất khó kiểm soát và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm.