Hải Dương: Phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 06:00:15

Đây là nội dung kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 do UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành.


UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có trường hợp người bị tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Cụ thể: Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố có điểm tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học; 100% số người tiêm vaccine phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm và phấn đấu không có trường hợp người bị tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về các phương pháp phòng bệnh dại trên người giúp nhân dân hiểu, tự giác đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng khi bị súc vật nghi dại cắn, không chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các bài thuốc dân gian truyền miệng.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng vaccine và huyết thanh kháng dại để tiêm phòng kịp thời cho người bị chó, mèo... nghi dại cắn. Tổ chức tốt việc khám, tư vấn, vận động các trường hợp người bị động vật nghi dại cắn đến khám và chỉ định tiêm phòng dại theo quy định của Bộ Y tế nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dại.

Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế tiêm điều trị dự phòng của địa phương, vùng có báo cáo ca tử vong về bệnh dại để xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai giám sát tiêm phòng vaccine cho người bị phơi nhiễm bệnh dại do bị động vật cắn. Tuyên truyền, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại.

Các điểm tiêm đảm bảo đủ vaccine để người dân có thể tiếp cận với việc điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm; trường hợp nhiều người bị chó, mèo cắn và có biểu hiện nghi mắc bệnh dại thông báo ngay cho cơ quan chuyên ngành thú y địa phương để thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch dại trên động vật.

Giám sát bệnh nhân tử vong để phát hiện sự lưu hành của virus dại, nâng cao năng lực giám sát bệnh dại trên người nhằm đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu; phối hợp liên ngành thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng,…

Chia sẻ Facebook