Hai doanh nghiệp lâu đời ngành xây dựng Sông Hồng, Vinaincon: Từ những dự án đình đám đến khoản lỗ luỹ kế hơn nghìn tỷ đồng
Hai tổng công ty lớn trong ngành xây dựng gồm Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng (SHG) thuộc Bộ Xây dựng cùng Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon - VVN) thuộc Bộ Công thương đều là những doanh nghiệp lâu đời có "truyền thống" lỗ từ nhiều năm nay và hiện lỗ lũy kế đã lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Tổng công ty Sông Hồng - Từ những dự án đình đám đến nguy cơ tuyên bố phá sản
Trong đó, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) có công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Tuy nhiên do nhiều vấn đề nên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của SHG.
SHG tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì được thành năm 1958, đến nay đã được 64 năm. Công ty này đã xây dựng một loạt các công trình lớn như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội)... các khu chung cư ở Hà Nội như Kim Liên, Giảng Võ...
Năm 2021, SHG đạt doanh thu 45 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với năm 2020. Doanh thu của SHG ngày càng thu hẹp đến hiện nay chỉ còn vài chục tỷ đồng. Công ty lỗ 55 tỷ đồng, giảm khoảng 2 tỷ đồng so với năm 2020. Tính đến hết năm 2021, SHG đang ôm số lỗ luỹ kế 1.086 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đang âm 780 tỷ đồng.
SHG là một trong số những Tổng công ty đầu tiên trực thuộc Bộ Xây dựng thực hiện thành công yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và hiện nay Bộ Xây dựng đang sở hữu 49% cổ phần của SHG. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa đến nay, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2019, SHG trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty để đấu giá một phần vốn Nhà nước. SHG cho biết, trong vài năm gần đây, công ty không triển khai được dự án đầu tư cũng như không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không có cơ hội để phục hồi cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo SHG, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty.
Đến cuối năm 2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo sẽ tổ chức đấu giá bán toàn bộ số cổ phần SHG do Bộ Xây dựng sở hữu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cp, trong khi thời điểm đó, giá cổ phiếu SHG chỉ khoảng 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán năm 2021, số cổ phần nhà nước của SHG vẫn giữ nguyên không thay đổi.
Vinaincon âm vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng
Còn Vinaincon được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thành lập năm 1998 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây dựng thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và các công ty xây dựng chuyên ngành công nghiệp Việt Nam.
Vinaincon luôn được xem là một trong những đơn vị lớn của ngành xây dựng Việt Nam và Bộ Công thương vẫn là cổ đông lớn sở hữu 82,75% cổ phần. Vinaincon hiện là nhà Tổng thầu EPC, nhà thầu chìa khóa trao tay nhiều công trình công nghiệp có quy mô vừa và lớn, công trình trọng điểm quốc gia của ngành Công Thương. Tuy nhiên trong nhiều năm nay, Vinaincon liên tục thua lỗ. Trong khoảng 10 năm đổ lại đây, chỉ có năm 2016, Vinaincon bất ngờ có lãi hơn 500 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính có khoản lãi trên là vì năm 2016, Công ty Xi măng Quang Sơn đã được Chính phủ hỗ trợ và cho xoá lãi vay phát sinh tại Ngân hàng Phát triển trong thời kỳ 2011-2016 và xoá lãi quá hạn của khoản vay từ Bộ Tài chính.
Báo cáo tài chính của Vinaincon cho thấy công ty đã được giảm 508 tỷ đồng chi phí lãi vay và chi phí bảo lãnh theo phương án tái cơ cấu được phê duyệt. Khoản lãi vay được giảm này được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính năm 2016 dẫn đến việc Xi măng Quang Sơn bất ngờ có lãi 369 tỷ đồng, Vinaincon qua đó cũng có lãi sau 5 năm gánh lỗ từ Xi măng Quang Sơn.
Tuy nhiên chỉ được 1 năm, đến năm 2017, Xi măng Quang Sơn tiếp tục là gánh nặng lớn, kéo Vinaincon chìm vào thua lỗ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Vinaincon lỗ 74 tỷ đồng, trong đó lỗ 6 tháng đầu năm của Xi măng Quang Sơn là 82 tỷ đồng, nếu không phải gánh Xi măng Quang Sơn, Vinaincon có thể có lãi hơn 8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Tính đến 30/6/2022, Vinaincon đang lỗ luỹ kế 1.751 tỷ đồng và đang âm vốn chủ sở hữu 914 tỷ đồng.
Theo Huyền Trang