Hai cơn bão Mặt trời đang hướng tới Trái đất, gây nguy hiểm cho lưới điện
Trái đất dự kiến hứng chịu ảnh hưởng từ hai vụ phun trào khổng lồ trên bề mặt của Mặt trời (CME) vào ngày 18-8, có khả năng hư hại lưới điện cũng như tàu vũ trụ trên quỹ đạo xung quanh Trái đất.
Theo mô hình dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hai vụ CME xảy ra ở Mặt trời vào ngày 14 và 15-8 sẽ đến Trái đất vào ngày 18-8.
CME đầu tiên là một đám mây plasma đen, CME thứ hai có thể gây ra cơn bão từ. Tác động dễ nhận biết nhất của bão từ là làm ảnh hưởng các hệ thống công nghệ phụ thuộc nhiều vào tín hiệu như cơ sở hạ tầng Internet, gián đoạn hệ thống định vị hay làm hư hại lưới điện.
Bão từ có thể quan sát được, vì chúng tạo ra những màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời trong khí quyển Trái đất, còn gọi là cực quang.
Tuy nhiên, cực quang sinh ra từ 2 CME đang hướng tới Trái đất có thể sẽ nhợt nhạt hơn so với cơn bão Mặt trời tồi tệ nhất từng tác động đến hành tinh của chúng ta. Chúng được gọi là Sự kiện Carrington, diễn ra vào năm 1859.
Sự kiện Carrington, được đặt tên theo nhà thiên văn học người Anh đã phát hiện CME khi đó, đã đốt cháy các hệ thống điện tích xuyên suốt châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và phóng ra cực quang đến tận phía nam Cuba.
Viện Khoa học quốc gia Mỹ từng đánh giá ảnh hưởng kinh tế của một sự kiện siêu bão tương tự Carrington có thể vượt hơn 2.000 tỉ USD và gây ra khủng hoảng khắp toàn cầu vì lưới điện sập hàng loạt.