Hai câu chuyện về du lịch

Chia sẻ Facebook
07/04/2023 07:07:03

Du lịch giúp đất nước phát triển là điều không bàn cãi. Nhưng phát triển nóng quá, vội quá chưa chắc đã tốt.

Nước ta đang phát triển rất mạnh về du lịch, lấy du lịch làm điểm nhấn, làm mục tiêu, làm động lực... vân vân. Và quả là, nhờ du lịch mà chúng ta phát triển về nhiều mặt, từ đời sống nhân dân tới thu nhập quốc dân. Du lịch giúp đất nước phát triển là điều không bàn cãi. Nhưng phát triển nóng quá, vội quá chưa chắc đã tốt. Có 2 chuyện liên quan tới du lịch đang nóng trên báo chí và mạng xã hội.

Chuyện thứ nhất, Hội An bán vé vào phố cổ.


Thực ra thì lâu nay Hội An đã bán vé rồi, và tất cả các nơi trên khắp thế giới này có di tích đều bán vé cho khách du lịch vào tham quan chứ nó chả phải là đặc sản của một ai, của riêng nước nào, địa phương nào?

Vậy tại sao nó ồn ào?

Tôi cho rằng nó do cách truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông.

Bên phản đối vạch ra những điều vô lý khi chính quyền Hội An bán vé kiểu tận thu, rẽ nước bắt cá, có cả thông tin chính thống và chưa chính thống, như dùng người phố cổ kiểm soát khách để phân biệt người phố cổ với người... không phố cổ, như bán vé vào xem dân cư đang sống là không đúng, vì họ không phải là di tích. Có chuyên gia phân tích: “Không ai đi thu tiền khách khi dạo quanh bên ngoài mặc dù nó nằm trong quần thể phố Cổ, bởi đó là không gian sinh sống và không gian bên ngoài của người dân. Và du khách chỉ khi vào vùng lõi là vùng có các di tích, các ngôi nhà cổ đã được xếp hạng và quy hoạch... Như ở Huế khu Đại Nội là khu rất quan trọng được bảo vệ nghiêm ngặt, mà người dân, hay du khách đi qua cổng thành, vui chơi bên ngoài đâu có thu phí”... Có cả những người ở nước ngoài lên tiếng trên facebook cá nhân lấy ví dụ từ chính nước họ đang sống, nhiều nhà khoa học,  nhà văn hóa, chuyên gia du lịch... cũng lên tiếng.  Bên chính quyền thì... im lặng tới mấy ngày, chả ai có ý kiến gì cho rõ ràng, mãi rồi ông Nguyễn Sự, một người Hội An rất Hội An, đặc sản Hội An, nguyên là lãnh đạo cao nhất của Hội An mới trả lời một tờ báo với tư cách cá nhân, cho rằng chính quyền làm việc ấy có đúng có sai, nhưng ông chỉ ra được một điều cốt lõi, ấy là việc bán vé có lâu rồi, nhưng quản lý không chặt chẽ nên nhiều công ty lữ hành... lách, không mua vé cho du khách, kệ du khách “đi lông nhông” dẫn tới hiểu sai về Hội An...

Mãi hôm qua ông chủ tịch Hội An mới chính thức lên tiếng trên một tờ báo.

Thì mới biết, ý của chính quyền không phải là tận thu, mà là bảo vệ và phát triển phố cổ...

Tất nhiên đến giờ thì vẫn chưa ngã ngũ, bởi thực ra cái ý định bán vé mới chỉ là ý định, như một cách thăm dò, và như đã nói, nó “nâng cấp” cái việc đã từng, là bán vé, và còn tới 15/5 mới thực hiện. Thì lâu nay chúng tôi vẫn bán vé đấy, các ông các bà vẫn vào ra ầm ầm có thấy ai kêu ca gì đâu?

Ở đây rõ ràng có vấn đề về xử lý khủng hoảng truyền thông.


Bởi như giải thích của chính quyền thì họ làm thế là vì Hội An , vì phố cổ (nhưng quả là cũng chưa biết những người dân đang sống bình thường trong phố cổ ấy đã được hỏi ý kiến chưa?). Và cái sự “vì” này thì nhiều nơi cũng đã và đang “vì” như phố cổ Hà Nội, Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt vân vân, nhiều lắm. Nhẽ ngay khi dư luận bùng lên thì cần làm ngay việc quan trọng là xử lý khủng hoảng truyền thông. Mà cách dễ nhất là minh bạch, thông tin lại ngay, giải thích những gì dư luận chưa hiểu hoặc hiểu sai ý định tốt đẹp của mình.

À nhưng lại nghĩ, Hội An mà bán vé được thì các địa phương khác trên cả nước sẽ sao nhỉ?

Vẻ đẹp Hội An. Ảnh minh họa

Chuyện thứ hai là một chuyện đau lòng.

Ấy là một chiếc trực thăng chở đoàn khách du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long bị rơi.


Họ trong một gia đình từ Đà Nẵng ra Hải Phòng và Quảng Ninh tổ chức tổ chức sinh nhật cho cha mình. Và người được tổ chức sinh nhật đã mất ngay trong ngày sinh lần thứ 59 của mình.

Để thấy bây giờ du lịch cũng rất đa dạng, từ phượt bộ, xe máy, ô tô, tàu hỏa tới... thuê riêng máy bay. Và cũng chứng tỏ dân ta ngày càng có điều kiện để hưởng thụ bằng đường du lịch. Tôi hình dung tới một ngày nào đó, máy bay trực thăng chở khách du lịch bay như cào cào trên trời.

Một anh bạn giám đốc công ty du lịch ở Hà Nội vừa nhắn: Em phải thức suốt đêm xử lý việc quên hành lý của khách. Chả hiểu sao hãng bay chở khách du lịch sang Osaka, Nhật Bản lại để quên tới gần... 20 cái vali của khách. Tất nhiên khách sẽ nhận được vali bị chậm. Điều tôi chú ý khi anh nhắn là, mỗi vali bị chậm, bảo hiểm phải trả 1,3 triệu cho khách.

Không hiểu dịch vụ bay du lịch của Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) có bảo hiểm cho cả máy bay và khách không? Được biết trưa hôm qua, ngày 6/4 hoạt động bay du lịch này đã bị dừng. Lại nhớ nhiều nơi có món du lịch mạo hiểm cũng đã từng có người chết. Hoặc không mạo hiểm nhưng muốn vào tham quan chỗ ấy phải thuê xe ôm, dốc dựng đứng, xe cũ, cài số 1 xịt khói gầm gừ leo, nhiều người lên tới nơi không dám xuống.

Để thấy, làm du lịch ngoài cái tâm, ngoài những chủ trương đúng và tốt còn rất cần sự chuyên nghiệp. Du lịch tự phát hoặc nghĩ tới đâu làm tới đấy không thể tránh khỏi hệ quả không mong muốn. Và ngay cả với du lịch chuyên nghiệp thì việc hãng bay để quên tới 20 vali của khách đoàn đi du lịch nước ngoài cũng là điều rất khó chấp nhận, dù có được bảo hiểm...

Chia sẻ Facebook