Hải cảnh Trung Quốc bị tố quấy rối tàu cảnh sát biển Philippines
Philippines cho biết tàu hải cảnh 3305 của Trung Quốc đã "cơ động ở khoảng cách gần" với tàu tuần tra BRP Malabrigo hoạt động gần bãi cạn Scarborough.
"Tàu tuần tra BRP Malabrigo đã báo cáo về cuộc chạm trán ở khoảng cách gần liên quan đến tàu hải cảnh Trung Quốc khi đang làm nhiệm vụ tuần tra quanh bãi cạn Scarborough hôm 2/3", cảnh sát biển Philippines ra thông cáo cho biết hôm nay.
Thủy thủ đoàn BRP Malabrigo nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 3305 đã "cơ động ở khoảng cách gần", chỉ cách tàu cảnh sát biển Philippines khoảng 19 m. Video được giới chức Philippines công bố cho thấy tàu Trung Quốc di chuyển với tốc độ cao ở bên phải tàu tuần tra Philippines, sau đó vượt lên và dường như cắt trước mũi BRP Malabrigo.
"Điều này đã cản trở không gian di chuyển của BRP Malabrigo, rõ ràng là hành động vi phạm Quy ước quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS) năm 1972", thông cáo có đoạn.
Thông tin được công bố sau gần một tháng vì cảnh sát biển Philippines phải chờ phê duyệt từ lực lượng chuyên trách Biển Đông của chính phủ. Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Artemio Abu cho biết lực lượng này đã đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines hỗ trợ giải quyết vấn đề "thông qua cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp", chưa rõ Manila có gửi công hàm phản đối đến Bắc Kinh hay không.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa bình luận về thông tin.
Manila nói đây là vụ chạm trán khoảng cách gần thứ tư giữa cảnh sát biển Philippines và hải cảnh Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough kể từ tháng 5/2021.
Trung Quốc và Philippines tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bãi cạn Scarborough, đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi trên Biển Đông, cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Cho đến năm 2012, Philippines là bên kiểm soát thực thể này.
Ngày 8/4/2012, tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar của hải quân Philippines đến Scarborough và triển khai lực lượng để tiếp cận, bắt ngư dân Trung Quốc đang thả neo tại đây. Bắc Kinh cáo buộc Manila "quân sự hóa tranh chấp" vì sử dụng tàu chiến cho hoạt động thực thi pháp luật, lấy đó làm cớ triển khai 3 tàu hải giám ngăn Philippines bắt ngư dân.
Đến giữa tháng 6/2012, quan chức Mỹ đóng vai trò trung gian đã giúp xây dựng một thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút khỏi khu vực tranh chấp. Philippines rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough với lý do tránh bão vào ngày 15/6/2012, chấm dứt 10 tuần đối đầu, nhưng Trung Quốc không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực.
Mỹ không có hành động trên thực tế để buộc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận, trong khi tàu Philippines không thể quay lại bãi cạn Scarborough do bị Trung Quốc lấn át về số lượng. Đây được coi là một sai lầm lớn của Philippines, khiến họ đánh mất bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc.
Bắc Kinh được cho là nhiều lần tìm cách cải tạo, bồi đắp bãi cạn Scarborough kể từ khi kiểm soát thực thể này. Tuy nhiên, cả Mỹ và Philippines đều đưa ra những phản ứng quyết liệt và thông điệp răn đe mạnh mẽ, khiến Trung Quốc chưa thể thực hiện được ý đồ.
Vũ Anh (Theo Reuters )