Hai bệnh nhi Hà Nội bị biến chứng sốt xuất huyết cực nặng, suy đa phủ tạng, phải thở máy
“Đứng ngoài phòng cấp cứu, qua cửa sổ thấy các y bác sỹ không kịp ăn uống gì, làm việc liên tục trong vòng 4 tiếng, tôi đã cảm nhận được những áp lực và vất vả của người thầy thuốc! Tôi chưa từng trải qua cảm giác căng thẳng đến tột đỉnh như vậy bao giờ. Khi cháu bị sốc, mấy lần người cháu gồng cứng lên rồi tay buông thõng, tôi thấy mình như đổ gục, cảm giác mất mát đến tột cùng. Những lúc đó, các bác sĩ lại tất tả với những thao tác, thủ thuật để cố gắng giằng lại sự sống cho con trai tôi. Cứ như vậy, liên tục cấp cứu và theo dõi diễn biến tình trạng của cháu, tất cả nhân viên y tế dường như chưa ai kịp ăn uống gì và rất nhiều thiết bị gắn quanh người. Khi cháu ổn định, các y bác sỹ mới ra khỏi phòng cấp cứu. Họ như những chiến binh áo trắng vừa trở về sau một trận chiến”.
Đến giờ, anh Nguyễn Tiến Th. - cha của bệnh nhi M. vẫn không thể quên khoảnh khắc sinh tử mà tập thể bác sĩ, cán bộ y tế của Trung tâm Nhi khoa dồn tổng lực để cứu cậu con trai khỏi lưỡi hái tử thần. Cha bé M. chia sẻ: Khi cháu vào phòng cấp cứu, bác sỹ Phạm Công Khắc trực chỉ huy ca chiều và tối hôm đó. Tôi nhớ mãi hình ảnh bác sỹ Khắc cầm bệnh án của cháu, bác rất suy tư và trăn trở nói: “Cháu bị nặng thế này thì xử lý sao bây giờ?”. Chợt lúc đó, trong cơn đau, con tôi nắm chặt tay bác sỹ Khắc và nói: “Chú ơi cứu cháu với!”.
Những chiến binh áo trắng trở về sau trận chiến
Lời khẩn cầu của con trẻ như một luồng điện chạm tới tâm thức khiến bác sỹ Khắc “bừng tỉnh”! Với vai trò người cha, người chứng kiến, anh Th. kể lại: Ngay lập tức, BS. Khắc quyết liệt chỉ đạo các y tá, điều dưỡng (khoảng hơn 10 người), làm việc răm rắp, người nào việc đó. Các thiết bị máy móc được kéo đến vây quanh cháu. Lúc đó khoảng 19h tối, một không khí khẩn trương và cực kỳ chuyên nghiệp - những điều đó trước đây tôi chỉ thấy trên phim ảnh!
Quyết sách để giằng bệnh nhi khỏi lưỡi hái tử thần!
Bệnh nhi M. là một trong hai ca sốt xuất huyết biến chứng cực nặng mà Trung tâm Nhi khoa vừa điều trị thành công. Cả 2 bệnh nhi đều đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục... ThS.BS Phạm Văn Hưng - bác sĩ trực tiếp điều trị cho 2 ca bệnh chia sẻ: “Bệnh nhi M. được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên tình trạng của bệnh nhi M. vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều. Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Vận dụng mọi biện pháp tối ưu nhất nhưng sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, trẻ tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng trẻ vẫn tím, SpO2 chỉ 60-70%, hút nội khí quản có ít máu tươi”.
Trước diễn biến nguy kịch của trẻ, trực tiếp TS.BS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã chủ trì hội chẩn chớp nhoáng để vạch ra chiến lược điều trị cho bé M. Ngay lập tức, bệnh nhi được chụp X.quang tim, phổi tại giường thì thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng, EF chỉ còn 28-30%.
Xác định đây là trường hợp bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp, vấn đề đặt ra cho bác sĩ điều trị là phải cân nhắc giữa bù dịch nhanh trong sốc do huyết tương bị thoát mạch nhưng phải hạn chế dịch do viêm cơ tim cấp, chức năng tim bị giảm rất nặng. Chỉ định các thuốc trợ tim Milrinon và Dobutamin cho bệnh nhân đồng thời vẫn truyền các thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền bằng 1/2-2/3 so với khuyến cáo, ưu tiên dịch truyền là Albumin 5% và dịch cao phân tử, tốc độ dịch được điều chỉnh liên tục tùy theo đáp ứng của bệnh nhân...
Hàng loạt các y lệnh then chốt đồng loạt được đưa ra để giằng bệnh nhi khỏi lưỡi hái tử thần. Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, trẻ ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi M được xuất viện với chức năng các cơ quan trở về giới hạn bình thường.
Ca bệnh nhi Tuệ T. (13 tuổi) cũng tương tự như trường hợp bệnh nhi M. Bệnh nhi T. cũng bị suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao, các bác sĩ điều trị vừa phải cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim, vận mạch vừa phải truyền dịch chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền chỉ còn 2/3 so với phác đồ và phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu quá tải dịch, các thuốc hỗ trợ gan Hepamez, N-Acetylcystein truyền tĩnh mạch, truyền các yếu tố đông máu: Tiểu cầu, Huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh, đồng thời hội chẩn đa chuyên khoa Răng Hàm Mặt và Tai Mũi Họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và nhét Merocel cầm máu. Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.
Theo các nghiên cứu, biến chứng suy đa tạng bao gồm cả suy gan, suy thận, suy thần kinh trung ương và suy tim chiếm tỷ lệ khá nhỏ (chỉ chiếm 0,67%) trong các ca sốt xuất huyết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong rất cao 60-70%. Tỷ lệ suy hai tạng: suy gan và suy thận chiếm 0,33%, suy gan và suy thần kinh trung ương chiếm 2,66%, suy gan và suy tim chiếm 2%. Như vậy đối với 2 bệnh nhân ở trên đều suy đa tạng là trường hợp rất nặng nhưng cả 2 trẻ đều được cứu sống là sự nỗ lực, tập trung công sức, trí tuệ của tập thể y bác sĩ Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai.
TS. BS. Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Những ca bệnh sốt xuất huyết tại miền Bắc bắt đầu xuất hiện tăng lên nhưng ca bệnh nặng đã có ngay từ giai đoạn sớm. Hai ca bệnh có địa dư khác nhau, thời gian diễn biến bệnh khác nhau nhưng đều có các dấu hiệu tổn thương gan, tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng, tràn dịch đa màng... khiến quá trình điều trị khó khăn. Các y bác sĩ tại Trung tâm Nhi khoa đã trăn trở ngày đêm, từng phút, từng giờ để điều chỉnh y lệnh phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến bệnh. Có những thời điểm chúng tôi tưởng chừng không còn hy vọng nhưng với sự đồng lòng, nhất tâm tập trung trí tuệ, công sức và kết quả đạt được là cả hai cháu đều đã hồi phục hoàn toàn và được ra viện. Đó là món quà lớn nhất đối với những thầy thuốc như chúng tôi.