Hai 'ác quỷ' giam giữ phụ nữ trong nhà tù giữa rừng

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:28:27

MỹTừ một vụ trộm vặt, cảnh sát khám phá ra tội ác rúng động của hai kẻ sát nhân hàng loạt nhưng gặp nhiều trở ngại khi đưa tên tội phạm gian xảo ra tòa.

Ngày 2/6/1985, chủ cửa hàng kim khí ở San Francisco trình báo một người châu Á lấy cái kìm trị giá 75 USD mà không trả tiền. Khi cảnh sát đến, tên này đã đi mất. Cảnh sát tìm thấy cái kìm trong cốp sau chiếc xe đậu ngay cửa ra vào. Chủ xe tên Leonard Lake nói người trộm chiếc kìm là bạn mình, Ngô Chí Đạt, và đề nghị trả tiền giúp bạn.

Nhưng Lake bị cảnh sát tạm giữ vì thấy một khẩu súng lục gắn ống giảm thanh trong cốp xe. Giấy phép lái xe của Lake mang tên Robin Stapley, còn chiếc xe lại thuộc về Paul Cosner.

Ở đồn cảnh sát, Lake tỏ ra thành thật, xin một cốc nước, một tờ giấy và một cây bút để viết tờ khai. Sau khi đưa đồ cho Lake, cảnh sát phụ trách thẩm vấn rời đi vệ sinh. Trở lại sau vài phút, anh ta thấy Lake nằm trên sàn, sùi bọt mép và không ngừng run rẩy. Lake tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu, bác sĩ kết luận là ngộ độc xyanua.

Điều tra theo tên Robin Stapley trên giấy phép lái xe, cảnh sát phát hiện Robin đã biến mất vài tuần trước, chủ xe là Paul Costner cũng biến mất một năm trước.

Trong xe có rất nhiều thẻ tín dụng không thuộc sở hữu của Lake, nhiều đạn rơi vãi và lỗ đạn. Thiết bị kiểm tra cho thấy trên xe có nhiều vết máu bắn tung tóe, chứng tỏ từng có án mạng xảy ra.

Cảnh sát phát hiện một hóa đơn điện đề tên Claralyn Balasz, địa chỉ là một vùng hẻo lánh dưới chân núi Sierra Nevada ở Wilseyville, California.

Lynn là vợ cũ của Lake. Cô nói ngôi nhà ghi trong hóa đơn thuộc về bố cô, Lake vẫn luôn sống ở đó. Sau đó Lynn đưa cảnh sát đến một ngôi nhà cabin hẻo lánh, xung quanh là rừng rậm, dân cư thưa thớt. Khu vực nhà có cổng sắt khóa chặt và biển báo cấm người ngoài vào.

Lake và Đạt bắt cóc, tra tấn và sát hại các nạn nhân tại ngôi nhà cabin giữa rừng, trong năm 1984-1985. Ảnh: allthatsinteresting

Bên trong nhà, bốn góc giường đều buộc dây lưng cố định với cột gỗ, trên giường dính máu, có vài đồ lót phụ nữ, trên tường có mấy lỗ đạn, một chiếc camera chĩa thẳng vào giường.

Cảnh sát liên tưởng đến vụ án có người đăng tin cho thuê camera trên báo, sau đó gia đình ba người biến mất. Đối chiếu số sê-ri, camera này chính là chiếc từng quảng cáo trên báo.

Theo Lynn, Lake sợ chiến tranh xảy ra nên đã xây phía sau cabin một nơi trú ẩn để dự trữ lương thực, luôn khóa cửa. Khi cảnh sát bước vào, nơi đây như phòng tra tấn với còng, cùm, cưa, roi và các dụng cụ khác. Trên tường dán ảnh các cô gái khỏa thân. Nhiều loại vũ khí, súng ống, tạp chí và sách về cách chế tạo vũ khí hóa học để trên tủ sách. Phía sau tủ là một "phòng giam" ẩn, nhiều quy tắc được viết trên giấy như: phải sẵn sàng phục tùng; không được phép nói chuyện với bất cứ ai nếu không có lệnh; phải giữ im lặng; không bao giờ được nhìn vào mắt chủ nhân...

Ngoài ra còn có một cuốn nhật ký dài 250 trang của Lake, ghi lại rằng hắn sẽ nuôi nhốt phụ nữ trong "nhà tù", biến họ thành nô lệ tình dục.

Cảnh sát nghi ngờ những phụ nữ trong ảnh đều đã bị giết và bắt đầu đào bới quanh ngôi nhà. Họ tìm thấy số lượng lớn mảnh xương, tổng trọng lượng hơn 20 kg, từ đó xác định ít nhất 11 nạn nhân. Tuy nhiên, một phong bì chứa thẻ căn cước của người mất tích cho thấy tổng số nạn nhân có thể lên tới 25.


Cảnh sát còn đào được một thùng nhựa chứa hai cuốn băng ghi hình. Trong đó, một phụ nữ bị trói vào ghế và bị tra tấn dã man. Hai kẻ làm ác trong video là Lake và Ngô Chí Đạt.

Lake đã tự tử, cảnh sát liền dồn toàn lực truy bắt Đạt.

Lake tự tử khi bị bắt năm 1985, còn Đạt bị kết án tử hình. Ảnh: AP

Ngô Chí Đạt, tên tiếng Anh là Charles Ng, sinh năm 1960 trong gia đình giàu có ở Hong Kong. Từ nhỏ, Đạt bị bố giáo dục nghiêm khắc bằng đòn roi, luôn có tâm lý phản nghịch và nhiều lần bị buộc thôi học.

Sau khi bị bắt vì tội trộm cắp ở tuổi 15, bố cho Đạt sang Anh học nội trú nhưng không lâu sau hắn lại bị đuổi vì trộm đồ của bạn. Năm 1978, Đạt đến Mỹ học trường Notre Dame tại California. Sau một học kỳ, hắn bỏ học, liên tục vướng lao lý vì lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy, làm hồ sơ giả vào Thủy quân lục chiến để tránh bị khởi tố, ăn trộm vũ khí của quân đội. Đạt trốn tù năm 1980, gặp gỡ và trở thành đồng bọn với Lake.

Năm 1982, cảnh sát đột kích vào nhà di động của hai người, tìm thấy lượng lớn vũ khí và chất nổ bất hợp pháp, bắt giữ cả hai. Lake được thả nhờ bảo lãnh, sau đó bỏ trốn đến nhà cabin của vợ. Đạt bị đưa ra tòa án quân sự, bị kết tội trộm cắp và đào ngũ. Được trả tự do sau 18 tháng, Đạt lập tức đi tìm Lake, cùng thực hiện tội ác trong "nhà tù" giữa rừng núi. Chúng lừa nạn nhân đến nhà, sát hại đàn ông, tra tấn phụ nữ đến chết.

Khi bị truy lùng trên khắp thế giới, Đạt trốn đến một công viên hẻo lánh ở Calgary, Canada, dựng trại làm nơi ẩn náu. Một đứa trẻ tình cờ phát hiện khu trại, nhưng khi dẫn cảnh sát đến, Đạt đã bỏ chạy.

Ngày 6/7/1985, Đạt đến cửa hàng bách hóa, ngứa tay ăn trộm một lon cá hồi, bị nhân viên bảo vệ phát hiện. Trong lúc giằng co, Đạt rút súng bắn vào tay bảo vệ. Hắn bại lộ thân phận và nhanh chóng bị cảnh sát địa phương bắt giữ.

Cảnh sát Mỹ muốn Đạt bị dẫn độ về Mỹ ngay lập tức. Nhưng luật pháp Canada quy định, Đạt cũng phạm tội tại đây nên phải bị xét xử và thụ án ở Canada xong mới có thể dẫn độ về Mỹ. Đạt bị phía Canada kết án 4 năm rưỡi tù vì tội ăn cắp, tấn công có vũ trang và tàng trữ súng.

Sau khi Đạt mãn hạn tù, cảnh sát Mỹ tiếp tục đưa ra yêu cầu dẫn độ nhưng bị từ chối. Canada đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1976, trừ một số tội phạm quân sự. Theo luật nước này, việc một phạm nhân bị dẫn độ từ Canada đến một quốc gia khác để chịu án tử hình là bất hợp pháp. Đạt là kẻ giết người hàng loạt ở Mỹ, chắc chắn sẽ bị kết án tử hình, vì vậy phía Canada không đồng ý giao người.

Sau tranh cãi kéo dài, đến tháng 9/1991, Tòa án Tối cao Canada đồng ý dẫn độ Đạt về Mỹ.

Trong thời gian thụ án, Đạt đã nghiên cứu luật pháp Mỹ, cố gắng tìm ra những kẽ hở để hoãn xét xử hoặc trốn tội.

Trở về Mỹ, Đạt bị giam trong nhà tù Sacramento trong khi chờ xét xử. Bị công tố viên buộc tội 12 tội danh giết người, Đạt bắt đầu sử dụng kiến thức pháp luật để trì hoãn phiên tòa.

Đầu tiên, Đạt nộp đơn khiếu nại thức ăn trong tù nguội lạnh và không hợp khẩu vị, sau đó nói bị phân biệt đối xử. Thực tế, vì sự nguy hiểm của Đạt và nghe nói có kẻ định giết hắn, nhà tù đã xây dựng một chiếc lồng sắt riêng cho Đạt. Sau đơn khiếu nại, nhà tù phải dỡ bỏ lồng sắt và cải thiện chất lượng thức ăn.

Đạt lại nói bị say tàu xe, việc phải uống thuốc chống say khi đi ôtô mỗi lần thẩm vấn khiến tư duy và trạng thái tâm lý của hắn bị rối loạn, không thích hợp ra tòa.

Sau đó, hắn liên tục sa thải luật sư, chê họ không đủ năng lực, thậm chí tòa án đã phải thay đổi vài thẩm phán vì hắn phàn nàn.

Sau khi tất cả điều nhỏ nhặt được giải quyết, Đạt nói 98% người dân ở Quận Calaveras biết đến vụ án, hầu hết tin rằng hắn có tội, đây rõ ràng là thành kiến chủ quan và sẽ không công bằng khi bị xét xử ở đây. Vì thế địa điểm phiên tòa được chuyển đến quận Cam.

Phiên tòa xét xử Đạt bắt đầu vào tháng 10/1998. Hồ sơ vụ án lên đến 350 thùng với 100.000 trang và nặng 6 tấn. Có 75 nhân chứng nhưng không ai tận mắt chứng kiến Đạt thực hiện hành vi giết người, vì thế hắn đổ hết tội cho Lake, nói bị ép buộc. Nhưng hình ảnh trong một cuộn băng cho thấy Đạt chủ động cắt quần áo của nạn nhân, uy hiếp cô, Lake không ra lệnh cho hắn.

Tháng 2/1999, 12 thành viên bồi thẩm đoàn nhất trí cho rằng Đạt phải chịu trách nhiệm cho 11 vụ giết người. Cuối cùng, Đạt bị kết án tử hình.


Việc truy tố Đạt khiến California tiêu tốn khoảng 20 triệu USD, trở thành phiên tòa tốn kém nhất trong lịch sử tiểu bang thời đó.

Đến tháng 11/2021, Đạt vẫn bị giam giữ tại nhà tù San Quentin do California không hành quyết tù nhân nào kể từ năm 2006.


Tuệ Anh (Theo Toutiao , Crime&investigation , Murderpedia )

Chia sẻ Facebook