Hạ Yên Quyết: Làng khoa bảng Kinh thành Thăng Long xưa
Kinh tế phát triển là điểm tựa giúp Hạ Yên Quyết trở thành làng khoa bảng tiêu biểu ở Kinh kỳ Thăng Long, nơi sản sinh ra 10 vị tiến sĩ.
Làng Hạ Yên Quyết có tên nôm là làng Cót, thời xưa có tên là Bạch Liên Hoa, nay ở phường Yên Hòa thuộc quận Cầu Giấy. Đây là làng nổi tiếng đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Xưa kia nơi đây có bến thuyền bên sông Tô Lịch, là cửa ngõ vào Kinh thành Thăng Long, thuận lợi phát triển làng nghề thủ công và buôn bán. Ngoài ra, Hạ Yên Quyết còn là làng khoa bảng tiêu biểu ở Kinh kỳ Thăng Long, nơi sản sinh ra 10 vị tiến sĩ.
Họ Hoàng
Người đỗ khai khoa cho làng là cụ tổ Hoàng Quán Chi. Theo cuốn “Thế phả họ Hoàng” thì Hoàng Quán Chi đỗ Thái học sinh khoa thi năm 1398, làm quan đến chức Thượng thư Thẩm Hình viện, khi mất được phong tặng Lễ bộ Thượng thư.
Tương truyền mẫu thân của Quán Chi một lần gánh nước sớm buổi sáng, thấy có 3 ngôi sao sa vào thùng nước, khi về nhà thì uống. Sau này bà có mang, sinh ra Quán Chi, lớn lên thông minh, sức học vượt trội. Các sách khác như “Bạch Liên khảo ký” cũng có ghi chép chuyện tương tự.
Hoàng Quán Chi có người con trai tham gia nghĩa quân Lam Sơn được phong chức Chỉ huy sứ.
Một tiến sĩ nổi tiếng nữa của họ Hoàng là Hoàng Bồi, cháu họ của Hoàng Quán Chi, thi đỗ khoa thi năm 1565 thời nhà Mạc. Tuy nhiên khi các tiến sĩ tân khoa ra mắt, nhà Vua thấy Hoàng Bồi thấp bé, một người khác là Nguyễn Chi thì chột mắt. Vua than rằng: “Nhân tài thế này thì thế nước còn được bao lâu?” , rồi không lấy đỗ cả hai người này.
Thi đỗ mà Vua tự ý đánh trượt, Hoàng Bồi không nản chí cũng không oán thán. Khoa thi sau Hoàng Bồi lại tiếp tục dự thi và một lần nữa đỗ tiến sĩ. Thấy sự kiên trì nhẫn nại đó, nhà Vua cuối cùng cũng phải công nhận ông.
Họ Nguyễn
Bên cạnh họ Hoàng, một dòng họ lớn khác của làng Hạ Yên Quyết là họ Nguyễn, thủy tổ là Nguyễn Như Uyên. Như Uyên nhà nghèo nhưng chịu khó chăm chỉ học tập, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ vào năm 1469, làm quan đến Chưởng lục bộ (như Tể tướng) kiêm Tế tửu Quốc tử giám.
Ba lần ông cùng Vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công, được ban cho Thái ấp. Làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông lập nhiều công trạng trong việc giữ yên biên thùy, mở mang bờ cõi, xây dựng luật Hồng Đức, vẽ bản đồ Hồng Đức, đào tạo các bậc hiền tài. Khi nghỉ hưu ông được phong làm Thái bảo, tước Liêm Quận Công.
Tiếp đó đời họ Nguyễn thứ hai có Nguyễn Xuân Nham đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1499. Rồi có Nguyễn Khiêm Quang đỗ đầu thi Hương (tức Giải nguyên) khoa thi năm 1523, sau đó đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan đến chức Tham chính.
Họ Nguyễn có nhiều đời đỗ tiến sĩ, ngoài ra dòng họ này còn có 33 người đỗ cử nhân, tú tài được bổ làm Tri huyện, Giám trường ở các nơi.
Giữ truyền thống là làng khoa bảng
Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, phát triển được các làng nghề thủ công, nên làng Hạ Yên Quyết có được kinh tế vững mạnh. Từ xưa làng dành 3 mẫu ruộng để tặng cho gia đình nào có người đỗ từ tiến sĩ trở lên gọi là “độc thư điền”. Những vị đỗ đại khoa vinh quy bái tổ được cả làng rước cờ đi đón và thưởng ngay 100 quan. Ngoài ra còn có chế độ thưởng ruộng đất cho những người đỗ thi Hương, thi Hội.
Đình làng có thờ 5 vị Thần trong đó có Cao Sơn đại vương, thần Bản Thổ. Ngoài ra trong làng còn có 5 ngôi miếu, chùa Ngọc Quán. Ngày nay làng Hạ Yên Quyết vẫn còn đền thờ các tiến sĩ Hoàng Quán Chi, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Xuân Nham, được xem là biểu tượng cho truyền thống của làng.
Đền thờ Nguyễn Như Uyên nằm trên khu đất đẹp có lũy tre xanh bao bọc cùng ao nước tạo thành cảnh quan tĩnh mịch, linh thiêng cho nơi thờ cúng. Gian giữa trong nhà thờ còn có bức hoành phi với 4 chữ “Liêm quận công từ”.
Hàng năm từ ngày 10 đến 15 tháng 2 là lễ hội truyền thống của làng. Trong lễ hội, làng vẫn giữ truyên thống dâng oản theo lệ khuyến học, các cụ cao niên sẽ kề về tấm gương của các danh nhân trong làng, để các thế hệ sau này noi theo.
Trần Hưng
Mời xem video :