Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trần nợ, ông McCarthy có nguy cơ mất chức

Chia sẻ Facebook
01/06/2023 13:04:59

Dự luật trần nợ của Mỹ đã được Hạ viện thông qua hôm 31/5 với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, nhưng vấp phải sự phản đối của gần 1/3 đảng viên Cộng hòa.

Các nhà lập pháp Mỹ đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn vụ vỡ nợ đầu tiên trước ngày 5/6, ngày mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ sẽ không thể thanh toán các khoản nợ của quốc gia.

Dù phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cả hai phe cực hữu và cực tả, dự luật này cuối cùng cũng đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng dù tỉ số chênh lệch lớn.

Tổng số phiếu bầu cuối cùng là 314 – 117, trong đó đảng Cộng hòa có 149 phiếu thuận, 71 phiếu chống và đảng Dân chủ có 165 phiếu thuận, 46 phiếu chống.

Giờ đây, Thượng viện sẽ chuyển dự luật này tới bàn của Tổng thống Joe Biden. “Thỏa thuận này là tin tốt cho người dân và nền kinh tế Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện thông qua nó càng nhanh càng tốt để tôi có thể ký thành luật”, ông Biden nói sau cuộc bỏ phiếu.


Dự luật này sẽ tạm thời loại bỏ trần nợ của chính phủ liên bang đến hết ngày 1/1/2025. Nó cũng sẽ hạn chế một số chi tiêu của chính phủ trong 2 năm tới, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng, thu hồi các quỹ Covid-19 chưa sử dụng và mở rộng yêu cầu đối những người nhận hỗ trợ lương thực.

Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ với Tổng thống Joe Biden hôm 27/5, Chủ tịch Hạ viện tiếp tục đối diện với những thách thức mới. Ảnh: NBC News

Bằng cách giành chiến thắng với việc dự luật được thông qua, ông McCarthy đã hạ thấp những lo ngại về sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa tại Hạ viện và ăn mừng những nhượng bộ chính sách mà ông đã đạt được trong các cuộc đàm phán với ông Biden.

Ông McCarthy đã thuyết phục được hơn 2/3 thành viên trong đảng của mình, nhưng cuối cùng số đảng viên Dân chủ ủng hộ dự luật này vẫn nhiều hơn số đảng viên Cộng hòa. Theo Bloomberg, các nhà phê bình bảo thủ sẽ sử dụng vấn đề này để tranh luận rằng Chủ tịch Hạ viện đã có một thỏa thuận tồi.

Do đó, khoảnh khắc vinh quang nhất của ông McCarthy với tư cách là Chủ tịch Hạ viện cũng là khoảnh khắc khó khăn nhất đối với ông.


Ngay cả sau khi ông đã thành công buộc ông Biden phải đồng ý nhượng bộ, ông vẫn sẽ phải đối mặt với sự tức giận của các nhà lập pháp cánh hữu vì không thể giành được việc cắt giảm chi tiêu sâu hơn và hạn chế đối với các chương trình xã hội . Những người này thậm chí còn đang đang cân nhắc xem có nên thay thế vị trí của ông tại Hạ viện hay không.

Mối nguy hiểm mà ông McCarthy đang đối mặt là kết quả của những nhượng bộ mà ông đã phải đưa ra để trở thành Chủ tịch Hạ viện, bao gồm cả thỏa thuận rằng bất kỳ thành viên nào của Quốc hội cũng có thể đưa ra kiến nghị khiến ông rời khỏi chiếc ghế của mình. Với thỏa thuận này, ông McCarthy có thể bị loại bất cứ lúc nào chỉ với một cuộc bỏ phiếu.

Vào sáng 30/5, hạ nghị sĩ Dan Bishop từ Bắc Carolina cho biết, ông đang cân nhắc có nên đưa ra kiến nghị để bãi nhiệm ông McCarthy hay không. Tuy nhiên, ý kiến của ông Bishop không nhận được sự ủng hộ của các đảng viên bảo thủ khác.


Nữ nghị sĩ Lauren Boebert từ Colorado thậm chí còn bảo vệ ông McCarthy, nói rằng những thiếu sót trong thỏa thuận không phải là lỗi của ông ấy. Đến cuối ngày, ông Bishop đã từ bỏ ý tưởng này và từ chối thảo luận về nó khi ra về sau cuộc họp kín của đảng Cộng hòa .


Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, CNN, Reuters)

Chia sẻ Facebook