Hà Tĩnh thu nhập hơn 53 tỷ đồng từ nuôi nhuyễn thể

Chia sẻ Facebook
05/02/2024 04:14:20

Người dân ở Hà Tĩnh đã tận dụng các bãi bồi ven biển, ven sông để nuôi nhuyễn thể. Năm 2023, sản lượng đạt 3.550 tấn, cho giá trị sản xuất trên 53 tỷ đồng.

Năm 2023, diện tích nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh đạt trên 4.200 ha cả vùng mặn lợ và vùng nước ngọt tại 26 xã ven sông, ven biển...Đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, ốc hương, hàu, vẹm. Những năm gần đây, các HTX, hộ nuôi nhuyễn thể đã chú trọng hơn đến quy trình kỹ thuật, cải tạo đất bãi nuôi sau thu hoạch, chủ động bảo vệ môi trường, chú trọng việc lựa chọn con giống, tăng mật độ thả nuôi nên năng suất ngày càng cao. Năm 2023, sản lượng nhuyễn thể đạt 3.550 tấn cho giá trị sản xuất hơn 53 tỷ đồng. Năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu tăng diện tích nuôi nhuyễn thể thêm gần 550 ha nhằm khai thác tối đa các bãi bồi ven biển, ven sông để phát triển kinh tế .

Chia sẻ với báo Hà Tĩnh, anh Dương Thế Võ ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà là một trong những hộ nuôi ngao thắng lợi nhất vùng. Nhờ có kinh nghiệm nuôi trồng, bãi nuôi đẹp (rộng 4 ha ở gần núi Nam Giới), thời tiết thuận lợi nên ngao khá nhanh lớn, ít bị hao hụt. Đến thời điểm này, gia đình anh Võ thu hoạch được 60 tấn ngao thương phẩm loại 80 - 90 con/kg, cho doanh thu 650 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương.


Trong khi đó, anh Dương Thế Võ, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Đỉnh Bàn cho biết: "Năm 2015, nhận thấy mô hình nuôi ngao rất phù hợp với điều kiện của địa phương, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao, không tốn nhiều nhân công, ít bị rủi ro hơn các đối tượng nuôi khác nên tôi đã quyết định đầu tư mô hình nuôi loài nhuyễn thể này. Tiếp đó, nhiều hộ lân cận đã làm theo và thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn. Hiện nay, HTX có 20 thành viên, nuôi trồng 60 ha vùng bãi bồi Cửa Sót, cho sản lượng khoảng 600 tấn, đạt giá trị sản xuất khoảng 6,5 tỷ đồng và người nuôi có lợi nhuận 40%”.

Thời gian qua, nhờ điều kiện nuôi thuận lợi, chọn giống tốt nên năm nay, 9 thành viên trong HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, Lộc Hà) đã nuôi trồng được hơn 750 tấn ngao thương phẩm. Dù thị trường tiêu thụ khó khăn, giá thấp hơn năm ngoái, nhưng HTX vẫn đạt doanh thu khoảng 8,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng gần 3,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.


Theo số liệu trên báo Nhân Dân , tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hà Tĩnh đạt 8,05% (đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.442 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch, tăng 24% so năm 2022 nhờ giải ngân cao từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hà Tĩnh đạt 8,05%. Hà Tĩnh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Nguyễn Đình Thành thông tin: “Năm nay, huyện Lộc Hà tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích nuôi ngao với 169 ha ở các bãi triều ven sông, trong đó, trọng tâm là thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ), Liên Xuân (xã Hộ Độ), Lâm Châu (xã Thạch Châu) và TDP Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà). Theo ước tính, sản lượng ngao thương phẩm được người nuôi trồng thủy sản Lộc Hà xuất bán trong năm 2023 là khoảng 2.000 tấn, với giá từ 10-12 triệu đồng/tấn, mang về nguồn thu hơn 22 tỷ đồng”.

Năm 2023, diện tích nuôi nhuyễn thể ở Hà Tĩnh đạt 4.234 ha cả vùng mặn lợ lẫn vùng nước ngọt tại 26 xã ven sông, ven biển. Đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, ốc hương, hàu, vẹm (ở bãi bồi vùng nước mặn lợ ven biển) và ốc bươu, trai (ao hồ nước ngọt). Trong đó, các vùng nuôi trọng điểm là Lộc Hà 169 ha/65 hộ; Thạch Hà 127 ha/49 hộ; Cẩm Xuyên hơn 82 ha/55 hộ...

Những năm gần đây, các vùng nuôi nhuyễn thể đã chú trọng hơn đến quy trình kỹ thuật, cải tạo đất ở bãi nuôi sau thu hoạch, chủ động bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở Hà Tĩnh đã chú trọng hơn đến việc lựa chọn con giống, tăng mật độ thả nuôi, tăng cường bảo vệ trước dịch bệnh và thời tiết nên năng suất ngày càng cao... Qua đó, góp phần duy trì nhịp điệu sản xuất ổn định, bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: Năm 2023, diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 4.234 ha, chiếm hơn 15% diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ, cho sản lượng nuôi đạt 3.550 tấn (bằng 104% so với kế hoạch năm), cho giá trị sản xuất khoảng 53,3 tỷ đồng. Nuôi các loài nhuyễn thể, chi phí sản xuất ít, người dân chủ yếu tập trung đầu tư bãi nuôi, giàn bè, giống và nhân công, không phải đầu tư thức ăn nên đem lại lợi nhuận cao.

"Hiện nay, trên địa bàn ngày càng có nhiều hộ dân giàu lên nhờ nghề nuôi ngao, nhiều HTX nuôi ngao hiệu quả đã trở thành điểm sáng trong sản xuất, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm tại chỗ, xây dựng nông thôn mới của các địa phương... Tiêu biểu như HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan, HTX Nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận, HTX Nuôi trồng thủy sản Thạch Bàn...”, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy chia sẻ.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, 112 cửa sông, trên 3.000 đảo lớn nhỏ, 200.000ha rừng ngập mặn, vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 1 triệu km2 và diện tích mặt nước lớn của vịnh, đầm phá ven biển, và hệ sinh thái đa dạng. Điều này khá phù hợp cho việc nuôi các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đặc biệt là nghêu trắng Meretrix - có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.

Những năm gần đây, nghề nuôi, chế biến và kinh doanh nghêu đang dần trở thành nguồn sinh kế quan trọng của người dân vùng ven biển, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Cả nước hiện có trên 41.500ha nuôi nhuyễn thể 2 mảnh, sản lượng hàng năm 265.000 tấn/năm, trong đó có 179.000 tấn nghêu/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nghêu là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, có mặt tại 60 nước trên thế giới trong đó có EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN... Năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể mang về gần 150 triệu USD, riêng xuất khẩu nghêu chiếm 70%, đạt 104,5 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021.


Thông tin trên TTXVN , sản phẩm ngao Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng ngao kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.

Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam có các đối tượng nhuyễn thể có vỏ khá phong phú như ngao, sò huyết, ốc hương, điệp, hàu... và cũng ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển.

Thời gian vừa qua, nuôi ngao có nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, nhiều địa phương đã có sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng các vùng nuôi ngao bền vững, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như MSC, ASC...


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook