'Hà Tĩnh muốn xây dựng một Vũng Áng tầm cỡ'

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 23:40:39

Với quyết tâm đưa KKT Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế, đô thị bậc nhất khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh đã điều chỉnh quy mô, diện tích cũng như thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư đa ngành nghề, lĩnh vực.

Năm 2022, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai có chiều sâu các hoạt động xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Xung quanh vấn đề thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Phước, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh.

Ông Lê Trung Phước, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh (Ảnh: Tr. Hoa)

KKT Vũng Áng đang được xem là điểm đến hấp dẫn, “bến đỗ” an toàn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Vậy, lĩnh vực ưu tiên nào thu hút đầu tư tại đây, thưa ông?


Ông Lê Trung Phước: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 với quyết tâm xây dựng KKT này trở thành trung tâm kinh tế đa chức năng như: Công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển, phát triển thương mại, dịch vụ.

Cùng với đó là phát triển đồng bộ khu liên hợp công nghiệp luyện kim, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, liên kết phát triển kinh tế vùng Nam tỉnh Hà Tĩnh với phía Bắc tỉnh Quảng Bình; đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, từng bước phát triển thị xã Kỳ Anh lên tầm cao mới và tiến tới hình thành xây dựng thành phố Kỳ Anh trong tương lai không xa.

KKT Vũng Áng đang là điểm đến hấp dẫn, “bến đỗ” an toàn của các nhà đầu tư trong, ngoài nước (ảnh: Đình Nhất).

Vậy theo ông, đâu là lợi thế cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư đến với Vũng Áng?


Ông Lê Trung Phước: Khu kinh tế Vũng Áng với địa thế thuận lợi, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển Đông, cách thành phố Hà Tĩnh gần 70 km về phía Nam, cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 50 km về phía Bắc. Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây rất thuận lợi cho sự giao thương. Từ KKT Vũng Áng, theo quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam có thể kết nối với mọi vùng trong cả nước.

Bên cạnh đó, theo Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh là tuyến đường bộ ngắn nhất từ cảng biển Việt Nam đến Lào, các tỉnh Đông Bắc - Thái Lan và vùng Đông Bắc Thái Lan, Myanmar.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoạt động SXKD hiệu quả, là “đầu kéo” dẫn dắt, thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng (Ảnh: Tr. Hoa)

Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương thiết kế cho tàu 300.000 tấn được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỷ lệ 1/500, quy mô diện tích 133,32 ha. Trung tâm có tầm cỡ khu vực và quốc tế này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, KKT Vũng Áng là 1 trong 5 KKT ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư. Đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp phụ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước, là 1 trong 3 đầu mối giao thương biển quốc tế của Việt Nam.

Về các chính sách, KKT Vũng Áng được hưởng chính sách ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Từ khi ra đời đến nay, các nhà đầu tư vào KKT Vũng Áng đã, đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư như: tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo nhân lực và hạ tầng kỹ thuật…


Ông có thể điểm mặt một số chính sách ưu đãi nổi bật?


Ông Lê Trung Phước: Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/11/2021 về phát triển Khu kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp tổ chức thực hiện, trong đó việc nâng cao hiệu quả các chính sách thu hút, hỗ trợ, xúc tiến đầu tư là một trong những giải pháp trọng tâm.

Nhờ vậy, các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Vũng Áng đều rất hài lòng, ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tối đa của các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trên lĩnh vực cải cách hành chính, giải quyết hồ sơ, thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng nhanh gọn.

Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng khi các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện (ảnh: Đình Nhất).

Các dự án đầu tư tại đây được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc danh mục có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của nhà nước. Ngoài ra, các dự án đầu tư vào Vũng Áng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ về lĩnh vực đào tạo lao động, chuyển đổi nghề…

Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư khi về đầu tư tại kKT Vũng Áng...

Sự xuất hiện của các dự án tỷ USD có thể nói là bước thành công đầu tiên của KKT, ông có thể chia sẻ thêm về các dự án, các nhà đầu tư lớn đang và sẽ đầu tư tại đây?


Ông Lê Trung Phước: Tiêu biểu là Khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa đã đầu tư 12,68 tỷ USD (hiện tại là dự án FDI lớn nhất cả nước); nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Vũng Áng II…

Trong năm 2021, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã cấp chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án trong nước với số vốn đăng ký gần 6.700 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Dự án Nhà máy sản xuất pin VinEs của tập đoàn VinGroup có tổng mức đầu tư 3.784 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD theo hình thức BOT đã tiến hành khởi công vào tháng 10/2021.

Xây dựng dự án Nhà máy sản xuất pin VinEs của tập đoàn VinGroup (Ảnh: Tr. Hoa)

Hiện nay, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes đang chuẩn bị đầu tư Dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes trên diện tích hơn 1.000 ha tại khu công nghiệp trung tâm KKT Vũng Áng. Thời gian tới sẽ ưu tiên thu hút các dự án chế biến, chế tạo sau thép có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội như: dự án công nghiệp ô tô và linh phụ kiện vào khu công nghiệp Vinhomes.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển khai thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành, các dự án công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ; thu hút đầu tư các dự án dịch vụ logistics tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế; các khu đô thị, du lịch nghĩ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế.

Không xa nữa, nơi đây sẽ là một thành phố, đô thị công nghiệp quan trọng của Khu vực Bắc Trung Bộ, là một trung tâm kinh tế năng động, phát triển của cả nước.

Để giữ chân được nhà đầu tư, tỉnh đã có những giải pháp quyết liệt nào trong thời gian qua?


Ông Lê Trung Phước: Để giữ chân được các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh, cả hệ thống chính trị và nhân dân luôn đồng thuận, các cơ quan quản lý nhà nước phải luôn thực sự đồng hành với nhà đầu tư, doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng và phát triển KKT Vũng Áng đúng định hướng và bền vững. Các cơ quan quản lý tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng bộ máy liêm khiết, hành động; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tôi tin rằng, với những tiềm năng, lợi thế cùng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, KKT Vũng Áng đang dần hiện thực hóa khát vọng về một KKT tầm cỡ với nhiều trụ cột về hậu thép, logistics và dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo… góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.


KKT Vũng Áng được thành lập từ năm 2007. Hiện có 153 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 55.274 tỷ đồng và 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 15.769 triệu USD (đến từ các nước Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... ), giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ Facebook