Hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ thiếu đồng bộ gây tắc nghẽn hàng hóa
Việc triển khai xây dựng 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp tại TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn do vần vốn đầu tư lớn, thủ tục nhiêu khê, phức tạp.
Hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ thiếu đồng bộ gây tắc nghẽn hàng hóa
Việc triển khai xây dựng 7 trung tâm logistics chuyên nghiệp tại TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn do vần vốn đầu tư lớn, thủ tục nhiêu khê, phức tạp.
Ngày 6-4, Tạp chí Hải quan tổ chức Tọa đàm "Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa".
Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết theo Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP HCM sẽ đầu tư 7 trung tâm logistic phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Vấn đề khó khăn là vị trí và diện tích 7 trung tâm này khác nhau, mỗi khu có tính chất khác nhau dẫn đến kêu gọi đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư đều khó.
"May mắn là trung tâm logistics tại khu công nghệ cao cơ bản đã hoàn tất các quy trình thủ tục chuẩn bị, đã chọn xong chủ đầu tư. Đây sẽ là trung tâm logistics đầu tiên trong đề án được triển khai. Hôm qua, tôi đã ký văn bản cuối cùng trả lời khu công nghệ cao để họ yên tâm hỗ trợ chủ đầu tư triển khai đề án" - ông Phương thông tin.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam ( VLA ), cho rằng tiềm năng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP HCM , Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn khiến tiềm năng này chưa được phát triển. Trong đó, hạ tầng giao thông tại TP HCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp.
"Do vậy, để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển" - ông Thành nêu.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, khu vực phía Nam chiếm 60% lượng hàng cả nước, nếu cải thiện logistic sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước, gia tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Nếu giải quyết được khúc mắc vận chuyển, giảm chi phí cho vận tải sẽ giải quyết được vấn đề lớn và góp phần giải quyết các khó khăn của kinh tế.
T. Nhân
Người lao động