Hà Nội vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" phòng cháy chữa cháy: Cách làm thế nào?
Sau nhiều vụ hỏa hoạn với hậu quả đau lòng, để nâng cao chất lượng phòng cháy chữa cháy, an toàn cho người dân, Hà Nội vận động 100% hộ dân nên có lối thoát nạn thứ 2.
Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy với hậu quả đau lòng đã xảy ra, gây ra thiệt hại lớn về người và của.
Trên thực tế, công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhà ở và các hộ kinh doanh luôn được đề cao trong các quy định của các cơ quan chính quyền, với nhiều hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa thực sự được tất cả người dân ý thức một cách nghiêm túc.
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Trong đó, điểm đáng chú ý hơn cả là Ban lãnh đạo TP Hà Nội vận động 100% các hộ dân mở "lối thoát nạn thứ 2" để phòng khi hỏa hoạn không may xảy ra.
Vậy, "lối thoát nạn" trong PCCC nghĩa là gì, và làm thế nào để mở lối thoát nạn thứ 2?
Lối thoát nạn trong PCCC
Theo Đại học Phòng cháy chữa cháy, lối thoát nạn trong PCCC là lối ra trên đường thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn tại bất kỳ công trình nào. Lối đi này sẽ dẫn ra khu vực an toàn, giúp người dân nhanh chóng thoát khỏi được đám cháy, dễ dàng hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.
Ví dụ như cửa dẫn từ phòng ra hành lang, cửa dẫn ra tiền sảnh, cửa dẫn sang phòng liền kề, hay cửa ra khu vực cầu thang bộ...
Các lối thoát nạn cần đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chiều cao, chiều rộng cũng như vị trí. Những yếu tố này giúp đảm bảo, khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, con người có thể di chuyển qua đó một cách an toàn.
Lối thoát nạn trong PCCC là lối ra trên đường thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn tại bất kỳ công trình nào. (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để mở lối thoát nạn thứ 2?
Trước tiên, đối với những hộ gia đình đang sở hữu khu vực "chuồng cọp"
Chuồng cọp là khu vực khung, lồng, thường được làm bằng sắt hoặc inox, gia công kiên cố, chắc chắn. Nhiều hộ gia đình thường tiến hành thi công, lắp đặt khu vực này ở ngoài trời, phía ngoài hành lang, ban công, xung quanh các căn hộ tập thể, chung cư cao tầng để che chắn hoặc tăng diện tích sinh hoạt.
Khu vực chuồng cọp được gia công kiên cố, chắc chắn, vô tình gây cản trở cho quá trình cứu hộ cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn. (Ảnh Laodongthudo.vn)
Tuy nhiên, những công trình chuồng cọp với sự chắc chắn đã vô tình gây cản trở công tác PCCC&CNCH mỗi khi xảy ra sự cố, tai nạn. Trên thực tế, có nhiều đám cháy xảy ra tuy không quá lớn, nhưng nạn nhân bị mắc kẹt, không chạy thoát kịp thời cũng chính bởi những chiếc lồng sắt này.
Vì vậy, các "chuồng cọp" tốt hơn hết nên được tháo dỡ, cắt bỏ, để mở ra lối thoát nạn thứ 2 cho nhà ở.
Theo thông tin trên Lao Động Thủ Đô , tháng 5 vừa qua, sau khi được tuyên truyền, vận động về công tác PCCC&CNCH, nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã chủ động tháo dỡ các chuồng cọp trong nhà mình.
Sau khi được tuyên truyền và vận động, nhiều hộ gia đình đã chủ động tiến hành thi công tháo dỡ chuồng cọp nhà mình để mở ra lối thoát nạn thứ 2. (Ảnh Laodongthudo.vn, Báo Tin Tức)
Theo bài hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử Công an TP Hà Nội, ngoài việc tháo dỡ các chuồng cọp (nếu có), các hộ dân cũng có thể xây dựng, mở ra lối thoát nạn cho nhà ở bằng những cách như sau :
- Trường hợp hộ gia đình vẫn giữ lại chuồng cọp, phải lắp đặt ô cửa có khóa. Chìa khóa để ở nơi dễ thấy, dễ lấy. Khoá này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, người dân không mở được do khóa bị gỉ sét.
- Lối thoát khác cũng có thể là lối lên sân thượng, mái nhà hoặc ống tụt, thang dây ngoài nhà.
- Nhà có sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các cầu thang cố định.
- Cầu thang tới lối thoát nạn không được xoắn ốc hoặc để nhiều vật dụng, đồ đạc, hàng hóa... làm cản trở lối đi.
- Nếu tầng mái, sân thượng có khóa cửa, phải thiết kế để dễ dàng mở được từ bên trong.
- Chiều rộng của lối đi, bản thang thoát nạn phải bảo đảm cho người di chuyển thuận lợi (chiều rộng tối thiểu là 0,7m).
- Cửa đi trên lối thoát nạn cần sử dụng cửa cánh, hạn chế dùng cửa cuốn và cửa trượt.
- Trong một số trường hợp, lối thoát nạn thứ 2 có thể là lối dẫn sang khu vực nhà hàng xóm.
Cầu thang dẫn tới lối thoát nạn thứ 2 trên sân thượng của một gia đình. (Ảnh: Congan.hanoi.gov.vn)
Cũng theo quy định về PCCC nhà ở của UBND TP HCM ban hành tháng 6 năm 2021, để bổ trợ thêm cho lối thoát nạn, nhà ở cũng cần thiết kế và trang bị các trang thiết bị phục vụ PCCC.
Nếu nhà đã có những ô thông tầng, không được xây bít lại, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến quá trình thoát khói tự nhiên.
Với những nhà không có ô thông tầng hoặc đã lắp kín, thì cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói tự nhiên khác.
Các dụng cụ chữa cháy và phục vụ cho việc phá dỡ trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn cần có đó là: Bình cứu hỏa, búa, rìu, xà beng, kìm động lực... Các dụng cụ này phải được để ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ lấy
Tùy vào quy mô công trình nhà ở mà sẽ cân đối trang bị số lượng các dụng cụ sao cho phù hợp.
* Nguồn tham khảo: Lao Động Thủ Đô, CA Hà Nội, Luật VN, Đại học PCCC
theo Thu Phương
Tổ Quốc