Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát bếp ăn bán trú trường học
Để đảm bảo công tác bán trú, nhiều trường ở Hà Nội đã phối hợp với đại diện phụ huynh học sinh các lớp tham gia kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú.
Mới đây, vụ việc hàng trăm học sinh Trường Hội nhập quốc tế iSchool Nha Trang ở Khánh Hòa có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 trẻ tử vong khiến các bậc phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng.
Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã ban hành công văn số 5236/SYT-ATTP ngày 22/11/2022 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục. Đây cũng là một trong những công tác luôn được nhà trường quan tâm và đề cao.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên. Kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường đều chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra, bảo vệ sức khỏe của học sinh, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú trường học.
Trường THCS Ba Đình đặc biệt quan tâm là thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn bữa ăn cho từng học sinh. Đặc biệt, trước giờ ăn của học sinh, nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc soạn, chia thức ăn và nhân viên y tế của trường tiến hành lưu mẫu thức ăn 24h nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng trong từng bữa ăn cho học sinh. Công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú sẽ tiếp tục được nhà trường thực hiện trong suốt năm học nhằm đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng bữa ăn của học sinh, giúp các con học sinh luôn an toàn, khoẻ mạnh khi đến trường.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) ngày 26/11, từ 6h sáng, khi xe thực phẩm đến trường cũng là lúc đại diện hội phụ huynh nhà trường có mặt để kiểm tra khâu giao - nhận. Nhiều năm qua, hội phụ huynh nhà trường đã duy trì hoạt động giám sát độc lập này.
Anh Bạch Ngọc Đức ở phường Văn Yên, quận Hà Đông, cho biết: "Chúng tôi thường kiểm tra đột xuất để khách quan nhất khi kiểm tra thực phẩm. Thực phẩm có đúng như nhà trường niêm yết không, thực phẩm có tươi ngon không. Chúng tôi đều ghi nhận, phản hồi cho ban giám hiệu".
Chia sẻ quanh quanh vấn đề an toàn thực phẩm ở trường học, bà Phương Thị Thìn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên chia sẻ: Với sĩ số hơn 3.000 học sinh, áp lực đảm bảo an toàn thực phẩm của nhà trường là rất lớn. Về phía nhà trường, việc giám sát công tác tổ chức bữa ăn học đường luôn được đặt trong trạng thái thường nhật và được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Hàng ngày, từ 5h30 sáng, Ban giám hiệu đã phân công lãnh đạo, giáo viên có mặt tại trường để kiểm tra xem nhãn hàng, tem mác định lượng khẩu phần ăn của học sinh. Tiếp theo là quá trình sơ chế, nhà trường cũng phải thường xuyên có người giám sát, đặc biệt là bộ phận y tế.
Gần một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đã kiểm tra được 62 bếp ăn bán trú trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS. Qua công tác kiểm tra, ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được cải thiện.
Cụ thể, có 55/62 trường với tỷ lệ 89% có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tỷ lệ nhân viên có kiến thức về an toàn thực phẩm đạt 91%; 93% cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe. Các trường có đầy đủ hợp đồng mua bán thực phẩm đầu vào và hợp đồng trách nhiệm giữa nhà trường với các đơn vị công ty cung ứng; nhân viên được khám sức khỏe định kỳ, có kiến thức an toàn thực phẩm.
Đặc biệt trong năm học 2022-2023, quận Nam Từ Liêm có 100 trường học với tổng số hơn 84.000 học sinh. Với một lượng học sinh lớn như vậy, việc quản lý bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương.
Trúc Chi (theo giáo Dục & Thời Đại, Tuổi Trẻ Thủ Đô)