Hà Nội thành “sông” sau mưa lớn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nói gì?

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 23:02:26

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo cũng như cách tiếp cận xây dựng hạ tầng mang tính tổng thể.


Chiều 29/5 đường phố Hà Nội ngập sâu sau cơn mưa lớn; đường tắc, nhiều người phải "chôn chân" hàng giờ ngoài đường. Trước đó, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc cũng có lượng mưa kỷ lục. Bên lề hàng lang Quốc hội sáng (30/5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời những vấn đề liên quan đến sự bất thường của thời tiết cũng như những giải pháp đối phó.


Tầm nhìn dài hạn

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sự nóng lên toàn cầu thì cả thế giới biết rồi. Không chỉ ở Việt Nam, cả những quốc gia có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu... Câu chuyện thời tiết bất thường, lượng mưa lớn, tập trung vào một điểm nhất định thì không có hạ tầng nào "chống chịu" được.

“Chỉ có điều, chúng ta cần phân biệt vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan với vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề nhưng nguy cơ khiến các vùng đô thị ngập lụt là như nhau”, ông Hà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên lề hàng lang Quốc hội

Về vấn đề, Hà Nội "cứ mưa là ngập" dường như là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng "nói mãi" mà vẫn chưa giải quyết được tình trạng này, ông Hà cho rằng cần phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay. Mỗi một đô thị mang những đặc trưng riêng về địa hình, quan trọng nhất phải một hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu và thời tiết.

Theo ông Hà, hệ thống này cũng phải dự báo được số lượng dân cư ở các đô thị. Hệ thống này như huyết mạch trong cơ thể con người. Câu chuyện dự báo này không chỉ mang tầm nhìn ngắn hạn, mà mang tầm nhìn dài hạn, từ 20-50 năm. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập úng ở vùng lõi đô thị.

Trả lời câu hỏi, việc “trồng” nhiều các toà nhà cao tầng trong khu vực lõi có phải là lý do khiến Hà Nội biến thành “sông” chỉ sau một cơn mưa lớn, ông Hà cho biết khi dân số tăng lên, kèm theo phải có hạ tầng, trong đó phải tính toán hạ tầng tiêu thoát nước, bao gồm cả lượng nước mà con người sử dụng, lượng nước mưa trong trường hợp thời tiết cực đoan. Tất cả phải tính toán đồng bộ.


Dự báo chính xác ngập lụt là không dễ

Nói kỹ hơn về khả năng dự báo trước những hiện tượng thời tiết cực đoan, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian thì có thể tính toán được trên mỗi m2 sẽ có lượng nước thế nào. Nếu chúng ta làm tiếp bài toán trên mô hình về khả năng công suất của hệ thống tiêu thoát nước thì hoàn toàn có thể tính toán được về mức độ ngập.

Còn khi dự báo lũ còn phải tính đến lưu vực sông, cộng với lượng mưa, khả năng thoát lũ của hạ tầng thì hoàn toàn có thể đưa ra dự báo.

“Hiện nay đã thực hiện việc dự báo này. Song dự báo trong một thời gian ngắn, chính xác là điều không dễ đối với bất cứ dự báo viên. Tuy nhiên bài toán dự báo là phải dự báo có ngập lũ hay không, trong điều kiện cực đoan thì như thế nào? Bài toán dự báo này là có thể thực hiện được. Hiện nay các chuyên giá, nhà khí tượng thuỷ văn đều hướng đến mục tiêu đó, tất nhiên độ chính xác có thể còn khác nhau”, ông Hà cho biết.

Cùng với việc tính toán được hệ thống dân cư và mật độ về hạ tầng, thì hệ thống xử lý nước mưa, xử lý nước thải cũng phải đồng bộ. Trong quá trình đô thị phát triển, thay đổi, ta phải có tầm nhìn để làm từng khu vực tự nhiên thoát được nước, còn nếu không tự nhiên thoát được nước, phải sử dụng máy móc, nhưng nên hạn chế. Và trong trường hợp thời tiết cực đoan, phải tính toán đến sử dụng cả hệ thống trữ nước.

Hà Nội có nên có một dự án chống ngập như TP Hồ Chí Minh?

Hà Nội ngập lụt tại nhiều tuyến phố sau cơn mưa lớn chiều qua (Ảnh: TTXVN)

Trả lời câu hỏi này, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo, cũng như cần một dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử và những số liệu hiện nay của cực đoan thời tiết. Cùng với đó là tính toán một cách kỹ càng trong tiếp cận khi thiết kế đô thị để làm sao đô thị chống chịu được với thới tiết cực đoan.

Ông Hà nhấn mạnh quan điểm phải xây dựng được những đô thị có khả năng chống chịu thông minh để đảm bảo được tính bền vững. Cụ thể, cần có dự án tiếp cận một cách tổng thể xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để làm hạ tầng có khả năng chống chịu, thích ứng, phù hợp. Kết hợp áp dụng các giải pháp mang tính chủ động.

Ông Hà đưa ví dụ như Nhật Bản có những khu vực, người ta bố trí những đường ngầm, hầm chứa - vừa trữ nước vừa tưới tiêu những lúc khô hạn. Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lứa... là những nơi chứa nước khi những vùng xung yếu ngập lụt.

“Đấy là những giải pháp cần làm, tất nhiên là chi phí đắt đỏ, quan trọng nhất là ngay từ tầm nhìn thiết kế hạ tầng phải đồng bộ”, ông Hà nhấn mạnh

Chia sẻ Facebook