Hà Nội tăng cường kiểm tra kinh doanh xăng dầu
Hôm 12/11, 28 đội quản lý thị trường của Hà Nội đã ra quân kiểm tra hơn 100 cây xăng và 10 doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu trên địa bàn.
Theo đó, hầu hết các cây xăng đều mở cửa bán hàng, không phát hiện trường hợp nào bán nhỏ giọt. Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, liên bộ Công Thương - Tài chính đã có những chính sách điều hành giá nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình nhập khẩu, kinh doanh xăng, dầu . Tuy vậy, những ngày qua, tại một số địa phương trên cả nước, vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu; phối hợp chặt chẽ với sở công thương và lực lượng chức năng; ký biên bản cam kết với các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn về việc bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ, xong trước ngày 16/11.
Các cơ quan quản lý thị trường tập trung giám sát cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang hoạt động trên địa bàn, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, kiến nghị thu hồi giấy phép; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Liên quan đến tình hình kinh doanh xăng dầu, TP Hải Phòng cũng đã có chỉ đạo các lực lượng chức năng đi kiểm tra để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá xăng dầu. Kết quả qua cho thấy có hơn 20 điểm bán lẻ tư nhân gặp khó khăn về nguồn cung xăng dầu. Các cửa hàng đã phải giảm lượng hàng bán ra, chủ yếu là xăng A95.
Còn hệ thống các cửa hàng của Nhà nước tại Hải Phòng vẫn hoạt động đều đặn, không có tình trạng chen lấn, xếp hàng đổ xăng và không khống chế lượng mua. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 9 tổng kho xăng dầu, hơn 250 cửa hàng bán lẻ của Nhà nước và tư nhân.
Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, với giải pháp mạnh mà Chính phủ đưa ra cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật về các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá hoặc là các hành vi vi phạm pháp luật khác thì tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ được giải quyết.
Về phía tập đoàn, trong tháng 11 đã nhập mua hơn 1,2 triệu m3, đảm bảo đủ nguồn cho hệ thống phân phối, bán lẻ của tập đoàn trên cả nước.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1085 ngày 11/11, tôi tin rằng trong thời gian tới thì thị trường xăng dầu sẽ nhanh chóng được bình ổn. Một trong những vấn đề rất quan trọng đó là các thương nhân đầu mối phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đúng sự phân giao của Bộ Công Thương đối với tổng nguồn tối thiểu. Đảm bảo vừa đúng tiến độ, đủ số lượng và chất lượng mặt hàng, để làm sao cùng tham gia bình ổn thị trường cũng như đảm bảo việc tiêu thụ tại các vùng miền theo nhu cầu của xã hội", ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay.
Ngày 12/11, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối báo cáo các chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam. Thời hạn báo cáo trước 10h ngày 15/11.