Hà Nội sẽ lấy ý kiến của người dân về đề án thu phí phương tiện vào nội đô
Sau khi hoàn thiện các nội dung của đề án thu phí phương tiện vào nội đô, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân.
Chiều 9/9, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thông tin về đề án thu phí phương tiện vào nội đô.
Theo ông Bảo, đề án này tác động sâu rộng đến người dân, không chỉ người dân Hà Nội mà còn ảnh hưởng đến người dân các tỉnh khác khi đến Thủ đô.
“ Do đó Sở GTVT đã phối hợp với đơn vị tư vấn để nghiên cứu kỹ nội dung này. Bước đầu Sở GTVT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học. Trên cơ sở ý kiến của hội thảo và phiếu điều tra thì Sở GTVT đang tập hợp để hoàn thiện các nội dung của đề án. Khi hoàn thiện đề án sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân”, ông Bảo nói.
Về vấn đề sẽ có làn đường dành riêng cho xe đạp, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, ngày 5/4, Chính phủ ban hành nghị quyết số 48 tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, trong đó giao UBND của 5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
“Căn cứ vào nội dung này, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 225 ngày 31/8/2022 để thực hiện Nghị quyết 48. Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ va giải pháp cụ thể, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe đạp trên địa bàn thành phố”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.
Ông Trần Hữu Bảo cũng cho biết, đây là nhiệm vụ mới và thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP, đến nay Sở GTVT đang được giao chủ trì và phối hợp với Công an TP, các sở, ngành, UBND các quận huyện nghiên cứu để đề xuất, triển khai. “ Nội dung này mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2022- 2025.
Kế hoạch đề ra hàng loạt giải pháp như: Yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.