Hà Nội: Phụ huynh choáng váng khi phải đóng thêm gần 10 triệu đồng mỗi năm
“Tính trung bình một năm học, ngoài tiền học phí cố định hàng tháng (1,5 triệu đồng), mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng cho các khoản…”,
Khai giảng năm học mới chỉ vài tuần lễ, không ít phụ huynh đã kêu trời vì các loại quỹ, các khoản chi. Theo báo VietNamNet, trở về sau buổi họp phụ huynh cho con mới đây, anh Huy (tên đã thay đổi) vẫn chưa hết ‘choáng váng’ về các khoản thu đầu năm học 2022 – 2023 mà bản thân phải đóng.
Anh nhẩm tính, cộng các khoản phải đóng đầu năm cho học kỳ I lên đến 4,5 triệu đồng (chưa tính tiền Bảo bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thân thể toàn diện).
Anh cho biết, các khoản thu đầu kỳ I năm nay được chia nhỏ ở các mục khác nhau như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)… Trong đó phí phát triển trường hàng kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm:
– Tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường ‘xanh-sạch-đẹp’ (1,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ);
– Hỗ trợ học phẩm, học liệu thí nghiệm, điều hòa, máy chiếu, photo in ấn các tài liệu và đề thi chung của trường (500.000 đồng/học sinh/học kỳ);
– Hỗ trợ hoạt động Đoàn – Đội, hoạt động ngoại khóa, hoạt động chung toàn trường (500.000 đồng/học sinh/học kỳ).
Cùng với đó, phí trông giữ xe mỗi học sinh phải nộp nếu đi xe máy sẽ là 500.000 đồng/em/học kỳ và 350.000 đồng/học sinh/học kỳ với xe đạp. Với khoản này, các năm trước thu theo tháng, năm nay nhà trường thông báo thu gộp để thuê công ty trông xe đảm bảo tài sản cho học sinh.
Bên cạnh đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể toàn diện nằm trong khoản nhà trường thu hộ cũng được liệt kê.
Anh Huy chia sẻ khi con học trường dân lập (vì cháu thi lớp 10 không đậu trường công), gia đình đã xác định phải đóng học phí nhiều hơn, nhưng không hình dung ra nhiều khoản như vậy.
Anh cũng bày tỏ thắc mắc tại sao học phí đã phải đóng 1,5 triệu đồng/tháng mà còn phải đóng thêm 2,5 triệu đồng phí phát triển nhà trường?
“Tính trung bình một năm học (10 tháng), ngoài tiền học phí cố định hàng tháng, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng cho các khoản như thông báo. Với chi phí này khiến không ít gia đình ‘méo mặt’…” , anh Huy cho biết.
Ngoài ra, anh Huy mà một số phụ huynh khác ở trường THPT dân lập Văn Lang cũng thắc mắc về khoản tiền quỹ phụ huynh phải đóng.
“Quỹ phụ huynh trường thu 200.000 đồng/học sinh/học kỳ là được rồi mà Ban phụ huynh lớp thu tới 1 triệu đồng là cao. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc thì chỉ được ‘ghi nhận có ý kiến’, còn tiền vẫn phải đóng đủ, không thiếu khoản nào” , anh Huy cho biết.
Tuy nhiên, theo báo Tiền Phong, không chỉ các phụ ở trường dân lập gặp tình trạng trên mà nhiều bậc phụ huynh ở những ngôi trường công lập khác ở Hà Nội cũng đang than trời vì các khoản phí cao ngất mà bản thân phải đóng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh có con năm nay lên lớp 6, học tại một trường THCS công lập tại Hà Nội ‘kêu trời’ vì mới đầu năm học đã phải đóng rất nhiều loại phí. Theo chị Hạnh, sau khi họp phụ huynh, mỗi học sinh đóng 1,8 triệu đồng tiền quỹ lớp, hơn 2 triệu đồng tiền đồng phục, chưa kể các khoản học câu lạc bộ và học thêm. Riêng tiền quỹ lớp dù Ban phụ huynh đứng ra thu và mua các khoản nhưng vì học đầu cấp, phải mua cả điều hoà, cây nước nóng lạnh, tủ đựng đồ cho giáo viên…
“Nếu tính sơ gồm cả tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập từ đầu tháng 9 đến nay mỗi con đã khoảng chục triệu đồng” , chị Hạnh cho biết.
Còn chị Đào Thị Hà Thu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, có con học ở bậc THCS cũng khá bức xúc khi cho rằng, nhà trường thông báo mua sách giáo khoa SGK đầu năm nhưng khi nhận về có thêm 5 quyển tài liệu tham khảo đính kèm.
Giá sách tài liệu tham khảo không quá cao nhưng chị cảm thấy không vui vì cách làm của nhà trường. Nếu con mua về học đã đành, những năm trước đến cuối năm tập sách tham khảo vẫn mới nguyên trên giá. Ngoài ra, chị Thu cũng ‘ấm ức’ vì đầu năm phải đóng nhiều khoản thu, trong đó nhà trường tổ chức cả bộ môn học Toán bằng Tiếng Anh với giá 280.000 đồng mỗi tháng; quỹ lớp 1,5 triệu/học sinh.
Xuân Hạ (t/h)