Hà Nội: Phát hiện cơ sở sản xuất bánh gạo có dấu hiệu “đội lốt” hàng Nhật Bản

Chia sẻ Facebook
14/12/2022 08:33:02

Một số lượng lớn bánh gạo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, “đội lốt” hàng Nhật Bản đã bị lực lượng chức năng thu giữ và điều tra làm rõ tại Hà Đông (Hà Nội).


Ngày 13/12, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông tin, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 (QLTT Hà Nội ) vừa phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất bánh gạo có dấu hiệu giả mạo tên, địa chỉ thương nhân phân phối, giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.


Theo đó, trong đợt cao điểm, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội trong dịp cuối năm, Cục QLTT TP. Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn; trong thời gian qua lực lượng QLTT Hà Nội liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 12/12/2022, Đội QLTT số 11 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng 6, Cục Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất, đóng gói bánh gạo Vetrue - vị rau củ tại địa chỉ số 2, ngõ 6 đường Phúc Tiền, Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội.

Bánh gạo được đóng gói, sản xuất thủ công, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Nhật Bản.

Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 85 kg bánh gạo không rõ nguồn gốc xuất xứ, 750 kg màng gói bánh, 1.015 kg túi ni lông, 1.300 kg bao bì carton, 1 kg nhãn hàng hoá, 153 thùng bánh gạo Nhật bản Vetrue - vị rau củ (12 túi/thùng 300 g/ túi) có dấu hiệu giả mạo tên, địa chỉ thương nhân phân phối, giả về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Hiện vụ việc đang được lực lượng phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trước đó, Đội 4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ đột kích xưởng sản xuất bánh kẹo "3 không" tại địa bàn huyện Hoài Đức do Tạ Tương Quân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ hàng tấn bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc nhưng chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan.

Ngoài việc không xuất trình được giấy tờ, cơ sở này còn có hành vi đóng gói số bánh kẹo có xuất xứ Trung Quốc vào một số bao bì ghi nhãn "Made in Japan". Việc thay đổi nhãn mác như vậy được chủ cơ sở khai nhận nhằm mục đích dễ tiêu thụ hơn. "Số kẹo này được tiêu thụ tại đại lý Đạt Nga ở La Phù, huyện Hoài Đức và một số khách hàng quen", chủ hàng cho biết.

Cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong, thu giữ số bánh kẹo lậu và các dụng cụ thiết bị để thay đổi nhãn mác xuất xứ số bánh kẹo kể trên để xử lý theo quy định.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook