Hà Nội: Người dân muốn biết cơ sở nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm có hơn 1.000 cơ sở vi phạm hành chính, 39 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Người dân tại Hà Nội cũng mong muốn biết được cơ sở nào vi phạm để từ đó có thể cảnh giác và lựa chọn.
Ngày 18-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Đặng Thanh Phong, chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết các cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) phải đóng cửa, yêu cầu buộc phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sau khi đã hoàn thành mới được mở cửa trở lại dưới sự giám sát của địa phương.
"Hiện nay, thông tin về các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP được công bố trên cổng thông tin các quận, huyện quản lý. Người dân có thể theo dõi thông tin trên những kênh này. Hiện website chính thức của chi cục đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến hoạt động trong tuần tới.
Sau khi website đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ thường xuyên đăng tải công khai các thông tin về xử lý an toàn thực phẩm để người dân nắm được. Việc công khai này cũng sẽ giúp răn đe các cơ sở không vi phạm", ông Phong lý giải.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 699 đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 16.294 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 13.328 (chiếm tỷ lệ 81,8%), đã phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.140 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,2 tỉ đồng.
Đồng thời, tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 39 cơ sở, đình chỉ 66 cơ sở và tiêu hủy 64 loại sản phẩm vi phạm của 524 cơ sở.
Đối với công tác xét nghiệm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, xét nghiệm tại Labo 317 mẫu.
Trong đó đạt 307/317 mẫu (chiếm 96,5%) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích; 10 mẫu phát hiện chỉ tiêu gây mất an toàn thực phẩm, cụ thể: 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng haptachlor; 8 mẫu thủy sản phát hiện chất cấm malachite green, leucomalachite green; 1 mẫu sản phẩm thịt phát hiện chỉ tiêu vi sinh vật tổng số vi sinh vật hiếu khí.
Đến tháng 6 năm 2022, xảy ra 1 sự cố về an toàn thực phẩm đã được điều tra và xử lý kịp thời; không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Ông Phong thông tin, các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý; nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng,
động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định. Một số cơ sở không bảo quản thực phẩm riêng biệt, dẫn đến ô nhiễm chéo…
Theo ông Phong, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đang kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh thực phẩm ở các nhà ăn, bếp ăn tập thể, trường học, công ty. Hàng tuần, hàng tháng đều có đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. "Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn của chi cục thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo tuần và theo chuyên đề. Chúng tôi có thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề như kiểm tra sữa, rau xanh, thịt, cá, lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ ở các cơ sở. Kết quả kiểm tra 6 tháng đầu năm cho thấy số lượng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thấp", ông Phong cho hay.
Đại diện Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cũng cho biết hiện việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu dựa vào người dân nâng cao cảnh giác, lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Phong cho hay: "Hiện đơn vị kiểm tra chủ yếu là khâu cuối cùng là "lên bàn ăn" liên quan đến vấn đề sức khỏe y tế. Các sản phẩm trong hệ thống siêu thị là do Sở Công thương quản lý, chợ đầu mới, chợ dân sinh do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm được hiệu quả trong thời gian tới, 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của mỗi ngành trong quá trình thanh, kiểm tra cũng như hậu kiểm với những nội dung được giao.
Đơn cử như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng. Còn từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm là ngành quản lý thị trường kiểm soát.
Và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành Y tế. Với các địa phương phải tổ chức đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại địa phương, nếu phát hiện ra những sai phạm thì phải xử phạt nghiêm các cơ sở đó".
Theo ông Phong, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bố trí bếp ăn một chiều đến yếu tố con người tham gia vào dây chuyền sản xuất, nhất là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.
Nhiều chuyên gia phân tích và đề nghị phải có giải pháp để tránh việc người dân tiếp tục bị đầu độc sau khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất.