Hà Nội: Ngôi chùa cổ gần 700 năm xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sập đổ vì con đường nhỏ đi qua chùa
Ngôi chùa Che (ở xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được xây dựng từ thời nhà Trần nhưng đến nay đã xuống cấp trầm trọng do chưa thể thống nhất phương án tu sửa.
Chùa Che (hay Diễn Phúc Tự) ở thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, được xây dựng từ những năm 1328 (thời nhà Trần)
Theo ghi nhận của chúng tôi, một phần mái của ngôi chùa đã bị sập, nhà chùa phải phủ bạt để phòng mưa, gió
Cổng tam quan lớn của chùa khắc 3 chữ Hán: Diễn Phúc Tự. Ngôi chùa đang thờ 3 pho tam thế, Phật Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca, Đức chúa, Đức thánh, Quan Âm Thị Kính
Trải qua gần 700 năm, ngôi chùa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, trong tình trạng có thể đổ sập bất cứ lúc nào
Hiện tại, ngôi chùa đang được treo biển cảnh báo nguy hiểm, người dân không thể vào dâng hương
Trụ trì Thích Đàm Vinh cho biết chùa xuống cấp từ năm 2017, các hạng mục xuống cấp trầm trọng, rêu phong mọc um tùm. Ngôi chùa gần 700 tuổi nhưng không được chứng nhận là di tích lịch sử quốc gia do những sắc phong đã bị mất từ lâu
"Hiện, mái ngói của ngôi chùa đã hỏng. Trụ bằng gỗ mục nát, rỗng bên trong, người dân không ai dám vào để thắp hương vì sợ sập. Tôi cũng không dám vào thắp hương nếu ở ngoài không có người", vị trụ trì nói
"Chúng tôi muốn tự tu sửa chùa, đồng thời quy hoạch con đường ở bên cạnh vào chùa để làm. Trước đây nó là đất của chùa, cho người dân xóm làng mượn để ra giếng gánh nước. Giờ đây, người dân muốn quy hoạch, lấy lại con đường này để đưa về chùa nhưng chưa được sự đồng thuận của tất cả người dân trong thôn nên chưa thể tu sửa chùa", trụ trì Vinh nói
Ông Nguyễn Xuân Thành, trưởng thôn Đại Nghiệp cho biết, chùa Che đã xuống cấp từ khoảng năm 2016-2017. "Chúng tôi đã cùng trụ trì Thích Đàm Vinh lên kế hoạch trùng tu, tôn tạo nhưng từ đó đến nay vẫn còn 1 số vấn đề chưa thống nhất được"
"Đầu tiên là ngân sách, gần đây thầy Thích Đàm Vinh cho rằng, nếu tất cả được thống nhất, thầy sẽ đứng ra vận động người dân, xã hội hoá toàn diện. Thứ 2 là con đường đi qua chùa. Theo các cụ cao niên kể lại, con đường này trước đây nằm trong khuôn viên chùa, được nhà chùa cho người dân trong thôn mượn để đi chợ do con đường bên ngoài bị đứt. Sau đó, chợ ở đây được chuyển ra ngoài, con đường được bên địa chính đo, vẽ vào bản đồ", ông Thành nói
"Giờ đây, nguyện vọng của chúng tôi và nhà chùa là quy hoạch con đường này vào khuôn viên chùa. Bởi trong lúc chùa tụng kinh niệm phật, không nên để xe cộ đi lại gây tiếng ồn đi qua con đường này. Còn theo tâm linh, trước đây ngôi chùa có 2 giếng mắt ngọc, tượng trưng 2 mắt của đầu rồng, nếu có đường xiên qua thì sẽ không hợp lệ về phong thuỷ", ông Thành nói thêm
Theo ông Thành, về thủ tục trùng tu lại chùa Che, ông đã báo cáo lên lãnh đạo các cấp. Ngoài ra, ông cũng họp người dân và được sự đồng ý của 90% người dân. Còn một số ý kiến không được thống nhất, nếu không được lấp con đường này, việc tu sửa chùa sẽ không thể triển khai
"Ngôi chùa đang đứng trước nguy cơ bị sập, trong trường hợp xấu nhất, những bức tượng phật có niên đại hàng trăm năm hay bia đá... có thể bị ảnh hưởng", ông Thành cho hay
Liên quan đến sự việc trên, lãnh đạo UBND xã Tân Dân cho biết, việc tu sửa chùa chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ nhưng việc đưa con đường của xóm vào chùa phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên đã có văn bản yêu cầu chấp nhận chủ trương tu sửa chùa Che xuống cấp. Tuy nhiên, phải có thống nhất giữa chi bộ và nhân dân rằng có cho tu sửa chùa hay không. Hiện tại, nhân dân đã thống nhất về việc tu sửa, nhà chùa cũng đã có người tư vấn, khảo sát thiết kế theo năng lực. Thế nhưng hồ sơ bây giờ mới chỉ có bản vẽ thiết kế, còn dự toán để nộp về huyện để huyện chấp thuận chủ trương tu sửa thì vẫn còn thiếu
"Về con đường mà người dân mong muốn quy hoạch vào chùa là đường của ngõ xóm đã được thể hiện trên bản đồ từ năm 1983. Chúng tôi đã họp chi bộ, chi bộ đặc biệt không đồng ý với phương án này. Còn phía người dân, không phải tất cả đều đồng thuận đâu. Ngõ xóm đó đã có trên bản đồ và được tính toán là con đường để phát triển kinh tế làng nghề nên không thể quy hoạch ngõ xóm đó vào chùa được", lãnh đạo UBND xã Tân Dân nói.
Theo Đinh Huy
Pháp Luật và Bạn đọc