Hà Nội: Một tuần sau mưa lớn, cuộc sống của hàng trăm người dân ở quận Tây Hồ vẫn đảo lộn do ngập sâu
Hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đang bị đảo lộn vì ngập lụt, nước bẩn ngập vào tận nhà.
"Ốc đảo" ở nội đô, chục năm nay cứ mưa là ngập
Hai cơn mưa đầu mùa hạ xảy ra cuối tháng 5 khiến hàng loạt tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước. Đặc biệt, cơn mưa ngày 29/5 dù chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ nhưng đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố tại các quận nội thành, có khu vực bị nước ngập dâng cao quá yên xe máy và tràn vào nhà người dân.
Vài tiếng sau khi mưa tạnh, nước rút, cuộc sống người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, ở một nơi giữa nội đô Hà Nội vẫn có hàng trăm hộ dân chịu cảnh nước bủa vây dù trời không mưa gần một tuần nay.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 4/6 tạị phường Tứ Liên đoạn từ ngõ 95 Âu Cơ đến 139 Âu Cơ, hàng trăm mét đường, ngõ ngách bị bao vây, bốn bề là nước thải. Đáng nói, nhiều hộ gia đình bị nước tràn vào nhà.
Khoảng 200 hộ dân ở phường Tứ Liên bị nước bao vây
Người dân phải bắc "cầu khỉ" đi lại
Người dân sáng lội nước đi làm, tối về nhà dun nước
Nước mưa, nước thải bủa vây, chui vào tận giường, đã khiến nhiều hộ gia đình buộc phải di tản đi nơi khác sinh sống, phó mặc đồ đạc, nhà cửa, tài sản giữa mênh mông trên "biển nước".
Để chống ngập, một số người dân chỉ biết dùng các bao tải cát, gạch, đá và nhiều vật dụng khác để be bờ tạm thời nhưng cũng chẳng ăn thua. Nhiều gia đình khác không di chuyển được thì phải khắc phục bằng cách ăn cơm hàng, tắm giặt vệ sinh nhờ những nhà ở đầu ngõ không bị ngập. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, vô cùng khổ sở.
Nước đen ngòm chảy vào nhà người dân
Nhiều hộ dân bỏ đi tránh nước lũ
Theo người dân nơi đây, tình trạng cứ mưa là ngập xuất hiện khoảng chục năm nay. Những cơn mưa lớn khiến ngõ bị ngập rất sâu, kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các gia đình. Năm nay, tình trạng ngập đến sớm hơn mọi năm khiến người dân lo lắng không biết phải sống ra sao khi mùa mưa kéo dài đến vài tháng nữa.
Hiện tại, nước đã rút nhưng nhiều nơi tại phường Tứ Liên vẫn ngập từ 20 đến 100 cm. Để mưu sinh, người dân dùng ván gỗ ghép thành cầu để đi lại. Số khác phải đi thuyền hoặc đi ủng lội nước rồi đến công ty thay đồ để làm việc.
Cuộc sống đảo lộn của 200 hộ dân bị nước lũ bao quanh
Hai tay vừa ôm túi quần áo, vừa ôm ô doa đựng nước sạch "băng" qua dòng nước để đi họp lớp, chị Nguyễn Đức Thuận cho biết, tình trạng cứ mưa là ngập ở con ngõ này đã có từ lâu.
"Mười mấy năm nay, nước ngập vào cổng mỗi khi mưa lớn. Năm nay, nước ngập sâu hơn, vào cả trong nhà tôi. Vừa rồi, công ty thoát nước có bơm nước đi nhưng chỉ giảm được nước ở trong nhà thôi, ngoài sân vẫn bị ngập.
Nước ngập vào nhà khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn, khu vực nhà tôi còn khoảng 20 người nữa cũng chịu chung cảnh này. Ban ngày, đi chơi hay đi làm đều phải một tay xách nước, một tay mang quần áo. Đi qua đoạn ngập, tôi vào nhờ nhà hàng xóm để thay quần áo",
Từ ngày 29/5, nước ngập sâu khiến con ngõ vào nhà anh Hùng (50 tuổi, ở ngõ 139 Âu Cơ) không thể đi lại bình thường, mỗi ngày đi làm, anh Hùng phải dùng thuyền để di chuyển. Anh Hùng cho biết, đây không phải lần đầu mà "chục năm nay, năm nào cũng vậy".
"Vất vả nhất là bọn trẻ và người già. Chúng tôi đi qua ngõ, ngã cũng chẳng sao nhưng các cháu còn bé thì nguy hiểm lắm. Hàng ngày, tôi phải đưa các cháu ngồi lên thuyền, rồi đưa qua ngõ để đi học.
Lo nhất là hôm con nhà tôi đi thi, nó ngồi thuyền mà tôi cứ lo mãi, nếu chẳng may ngã xuống thì ướt hết, muộn giờ thi, lại ảnh hưởng tâm lý của con",
Theo anh Hùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị ngập là do hồ Tứ Liên dâng cao. Sau cơn mưa ngày 29/5, nước lên cao, trong khi cống thoát nước thông sang hồ Tây bị chặn nên nước dâng lên nhiều nhà hộ dân.
"Tôi hy vọng các cấp chính quyền địa phương có phương án giải quyết để người dân đỡ khổ sở",
Không chỉ vất vả trong sinh hoạt, nhiều hộ dân còn bị thiệt hại về tài sản khi nhiều đồ dùng bằng gỗ, sắt, giấy... bị ngập trong nước. Anh Phan Hữu Việt người dân trong ngõ 139 Âu Cơ) cho hay, dù đã quen với cảnh bị ngập nhưng kho hàng nhà anh không biết chuyển đi đâu, bị nước dâng vào ướt mất hàng trăm thùng giấy cát tông, nhiều đồ đạc bằng gỗ trong nhà bị ngâm trong nước.
Do có kinh nghiệm chống lũ nên bàn thờ, tủ lạnh... được kê lên cao
Gạch được kê trong nhà để ngăn rác chảy vào
"Nước ngập bắt đầu từ ngày 23/5, đến sau cơn mưa ngày 29/5 thì nước tràn vào nhà. Gia đình tôi phải kê bàn thờ, tủ lạnh và nhiều đồ điện tử lên cao để tránh ngập. Thậm chí, h
ôm trước tôi phải ngắt cầu dao để đề phòng điện chập vì nước dâng vào nhà cao quá. Không chỉ nước, rác cũng theo đó trôi vào trong nhà",
Theo anh Việt, gia đình anh là 1 trong những hộ dân trong phường bị ngập nặng nhất, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
"Gần 1 tuần nay, gia đình tôi không có nước sinh hoạt, bể nước dự phòng bị nước ngập, hết nước cả nhà đành phải đi tắm nhờ.
Hằng ngày, vợ chồng tôi đi làm, ở nhà có bố mẹ hơn 70 tuổi lúc nào cũng phải thu dọn, tát nước. Do bếp bị ngập, không nấu được cơm, hai ông bà đành phải mua cơm hộp. Lúc đầu họ cũng mang đến nhưng sau đó biết ngập, họ cũng không mang đến nữa đành phải ăn mì tôm.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị, đề bạt với chính quyền rồi nhưng đến nay nước bẩn vẫn tấn công như thế này. Không chỉ thiệt hại tài sản, nhiều người còn bị ảnh hưởng đến sức khoẻ khi hít phải mùi hôi thối, sưng nhức chân tay, ngứa chân...",
Ông Đoàn Văn Dương, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho biết, những ngày qua, Hà Nội mưa liên tiếp khiến mực nước hồ Tứ Liên dâng cao gây ngập nhiều hộ dân trong phường.
"Chúng tôi đã kịp thời kiểm tra và bơm nước rút tạm thời cho nhân dân. Đồng thời báo cáo UBND quận về việc cải tạo hồ Từ Liên và xây cống thoát nước qua đường Xuân Diệu để chấm dứt tình trạng ngập lụt", ông Dương nói.
Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, 200 hộ dân ở vùng bị ngập thuộc vùng trũng, giống như một ốc đảo. "Ở đây chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ, trước mắt chúng tôi sẽ cho bơm nước ra.
Sau khi được UBND TP đồng ý sử dụng ngân sách, đến tháng 7 tới, UBND quận sẽ làm dự án thoát nước ở hồ Tứ Liên",
Clip: Cuộc sống người dân Tứ Liên đảo lộn do nước ngập sâu