Hà Nội: Kỳ lạ những cây cổ thụ mọc giữa đường, thậm chí xuyên thủng nhà
Dù mọc ở các vị trí oái oăm nhưng những cây cổ thụ này vẫn được người dân chăm sóc, giữ gìn để bảo vệ nét đẹp riêng của Thủ đô.
Khu tập thể Kim Liên (Đống Đa) được xây dựng từ sau năm 1954, là một trong những khu tập thể lâu đời và đặc biệt nhất Hà Nội. Tại đây, cây xà cừ gắn liền với đời sống sinh hoạt khi hầu hết mọc xuyên mái nhà. Người dân phải thiết kế nơi ở linh hoạt, nương theo gốc cây để dễ bề đi lại.
Hình ảnh cây xanh “đâm thủng” mái nhà đã tồn tại hàng chục năm nay. Nhiều gia đình buộc phải khoét thủng mái hiên, trần nhà để cây phát triển, vô tình tạo thành khung cảnh đô thị lạ lẫm.
Hiện các cây vẫn còn xanh lá, tốt gỗ nhờ người dân hết lòng bảo vệ. Ai nấy ý thức giữ gìn dù phải ở chung với một phần gốc cây trong nhà. Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi), cư trú trên 10 năm tại khu tập thể Kim Liên cho biết: “Đôi khi bất tiện nhưng quanh đây chẳng ai nỡ đốn cây đi đâu. Một phần vì cây cổ thụ thọ quá rồi, phần còn lại muốn lưu giữ nét đẹp riêng của khu tập thể”.
Mùa mưa bão là thách thức lớn nhất đối với các hộ dân. Gió to làm cây gãy cành, nước mưa gây dột nên các gia đình phải dùng bạt hoặc tấm tôn lót bên dưới trần nhà. Trong hình, chủ hộ phải dùng tới khung sắt cố định để đề phòng sự cố.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều cây mọc ở giữa lòng đường. Tiểu biểu là cây đa trăm tuổi ở phố Trấn Vũ (Ba Đình). Tán cây rộng, tỏa bóng mát mùa hè nhưng cũng tốn không ít diện tích đi lại.
Người đi đường thường phải để mắt kỹ tới phần thân cây nhô ra. Khu vực này hẹp, ít xe qua lại nên ít xảy ra tắc đường. Nhờ thế mà cây đa duy trì độ bền theo chiều dài lịch sử.
Cây đa cổ thụ ra quả đều đặn, cho đến giờ vẫn luôn là biểu tượng hoài cổ, linh thiêng trên ngõ nhỏ Trấn Vũ.
Bồ đề là loại cây thiêng trong tín ngưỡng Phật giáo, tập trung xuất hiện nhiều ở khu vực Tây Hồ vì ở gần đền, chùa cổ. Trong hình là một trong những cây bồ đề cổ thụ đẹp nhất nhì Hà Nội, nằm ở vị trí giữa ngã ba phố Thụy Khuê - Lạc Long Quân - Bưởi (Tây Hồ), sở hữu tán lá cây rộng bao phủ cả một góc phố.
Thân cây cổ thụ gồ ghề bởi những vết rễ chằng chịt. Theo nhà văn hóa Vũ Kiêm Ninh, cây bồ đề chợ Bưởi tồn tại từ trước thời Pháp thuộc. Đến khi người Pháp xây chợ vào năm 1922, dân vùng Bưởi đặt điều kiện muốn chặt gì thì chặt chứ nhất định không được chặt cây bồ đề.
Theo Linh Chi
Tổ Quốc